Đưa các lễ hội trở về đúng giá trị văn hóa truyền thống
Lễ hội ẩm thực đặc sắc trong khu Miami - NovaWorld Phan Thiet Khai mạc Lễ hội Tết Xuân Quê hương 2024 tại Fukuoka, Nhật Bản |
Nguy cơ “biến dạng, méo mó”
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... và ngoài ra còn khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào. Đó là chưa kể các lễ hội nội bộ, quy mô nhỏ (ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ,...). Các lễ hội thường được tổ chức quanh năm, tuy nhiên, tập trung phần lớn vào dịp Tết Nguyên đán, đầu xuân.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc tổ chức các lễ hội hiện nay hơi thái quá, thiếu sự quản lý chặt chẽ, đi chệch định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập. Cụ thể, chủ trương xã hội hóa việc tổ chức lễ hội đã bị hiểu sai và làm sai, dẫn đến các địa phương tùy nghi vận dụng mà hệ quả là có quá nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc tổ chức lễ hội, bao trùm lên tất cả là xu hướng thương mại hóa. Trong rất nhiều lễ hội hình như là người ta quá coi trọng mục tiêu hiệu quả kinh tế mà quên đi mục đích tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Rất nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ hội bộc lộ ra quá rõ và quá nhiều đến mức bị coi là phản văn hóa, ở mọi lễ hội, kể cả lễ hội cấp quốc gia, gây phản cảm nặng nề đối với du khách trong nước và nước ngoài. Trước hết là những biến tướng trong việc xây dựng các kịch bản lễ hội. Từ nội dung đến hình thức của khá nhiều lễ hội đã bị biến dạng so với nguồn gốc ban đầu, bị pha tạp, lai căng, thậm chí cố bắt chước nước ngoài! Chẳng hạn: coi trọng phần hội hơn phần lễ, tăng cường một cách thiếu thận trọng việc sân khấu hóa nội dung cả phần lễ và phần hội, gán ghép một cách khiên cưỡng nội dung và hình thức hiện đại vào nội dung và hình thức vốn là dân gian truyền thống của lễ hội cổ truyền, gây ra sự khập khiễng, trái khoáy,... nhưng có lẽ lại phù hợp với thị hiếu của lớp trẻ.
Siết chặt quản lý các hoạt động tổ chức lễ hội. Ảnh minh họa. |
Đơn cử như các tiết mục văn nghệ trên sân khấu trong các lễ hội dân gian lại mang tính thời đại, trẻ trung, trang phục của ca sỹ chưa phù hợp, các bài hát, điệu múa hiện đại, thị trường ... Tất cả chỉ nhằm thu hút khách đến tham dự lễ hội càng đông càng tốt để tăng nguồn thu cho địa phương và người đầu tư. Do vậy mà giá trị văn hóa của lễ hội đã bị lu mờ, nhiều lễ hội đã “mất thiêng” chính vì những biến tướng này! Xu hướng thương mại hóa còn thể hiện ở việc cho phát triển quá lộn xộn và không quản lý chặt chẽ các dịch vụ ăn theo lễ hội. Từ đấy đã nảy sinh nhiều hành vi phản văn hóa trong việc phục vụ khách, nảy sinh vô số tệ nạn xã hội ngay trong địa bàn tổ chức lễ hội : bắt chẹt khách, chèo kéo khách, cờ bạc, trộm cắp, “buôn thần, bán thánh”, gây ô nhiễm môi trường, tự động lập bàn thờ, xây miếu thờ trong khu di tích để tranh khách,...Chính sự lộn xộn này đã góp phần tai hại phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của lễ hội, làm lu mờ và méo mó đi các giá trị văn hóa đích thực của lễ hội.
Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm
Để triển khai thực hiện Chỉ thị 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đồng thời, bảo đảm tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 theo đúng quy định của pháp luật, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, nghĩa tình, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để diễn ra việc lợi dụng lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và an ninh, trật tự.
Không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, tùy tiện gây tốn kém, lãng phí. |
Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan, trong năm 2024, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng nhằm đưa các hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, phát huy nguồn lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có biện pháp xử lý những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của Nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo và lễ hội; kịp thời phản ánh các hình thức tổ chức hoạt động lễ hội, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, trang trọng; đồng thời lên án, đấu tranh quyết liệt chống các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội để trục lợi, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các địa điểm tổ chức lễ hội. Chủ động nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tích cực chung tay tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, không đốt và sử dụng đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, trục lợi, mê tín dị đoan trong lễ hội.
Đối với các địa phương, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ…/.
Nguồn:Đưa các lễ hội trở về đúng giá trị văn hóa truyền thống