Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh
COP28 hỗ trợ chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển Chuyển đổi xanh và xu hướng tất yếu của thế giới |
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Habeck đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi xanh của Đức |
Khi chính trị gia Robert Habeck, người đứng đầu Đảng Xanh và là Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong liên minh cầm quyền của Đức, đề xuất một dự luật xanh vào năm ngoái, ông đã vấp phải sự phản đối dữ dội. Theo đó, sáng kiến bắt buộc thay thế các lò sưởi chạy bằng gas và dầu bằng các hệ thống bơm nhiệt thân thiện môi trường hơn, đã nhận nhiều chỉ trích sẽ đẩy hàng triệu người dân vào cảnh khó khăn.
Sự phản đối dữ dội không ngờ đã khiến Bộ trưởng Habeck phải điều chỉnh dự luật của mình để được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 9 vừa qua. Dù vậy, điều này cho thấy một khó khăn lớn mà nước Đức sẽ phải vượt qua trên con đường hướng tới kinh tế xanh.
Tham vọng lớn của người đứng đầu
Được thừa nhận là quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Âu, Đức vừa có tham vọng to lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm phải theo đuổi những mục tiêu kinh tế xanh đầy tốn kém.
Berlin đặt mục tiêu trung hòa các-bon thành công vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với nhiều cường quốc trên thế giới. Ngoài ra, đó còn là mục tiêu giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 1990 cùng nhiều chính sách và biện pháp chuyển đổi xanh khác về thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tính đến năm 2023, năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 41,2% tổng sản lượng điện của Đức. Chính phủ Đức đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 80% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy việc chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng sạch vẫn còn là một chặng đường khó khăn. Thậm chí, những ý kiến bi quan hơn cho rằng với tốc độ hiện tại, ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc Đức có thể đạt được mục tiêu trung hòa lượng carbon ròng vào năm 2045 hay không.
Thủ tướng Đức có tham vọng đưa nước Đức trở thành quốc gia đi đầu về chuyển đổi xanh ở châu Âu |
Thực tế đầy khó khăn
Phản ứng đối với dự luật mới hé lộ một cơn sóng ngầm khi các sáng kiến môi trường đụng tới ví tiền của người dân. Chỉ số ủng hộ cho Đảng con đường thay thế cho nước Đức (AFD) đối lập gia tăng sau các đề xuất của ông Habeck đã đặt ra những rào cản chính trị to lớn cho các chiến dịch xanh tương lai.
Khi mùa đông gần tới, việc làm ấm các ngôi nhà đang trở thành một vấn đề lớn đối với chính phủ Đức. Khoảng 80% các tòa nhà ở Đức sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi, đóng góp khoảng 15% tổng lượng khí CO2 phát thải.
Dự luật mới, ban đầu buộc phải thay thế bằng sưởi điện từ năm sau, đã phải lùi thời hạn dài hơn. Những sửa đổi đó khiến tham vọng chuyển đổi xanh của dự luật chỉ còn khoảng 75% kế hoạch ban đầu.
Thế nhưng, kế hoạch mới bớt tham vọng hơn cũng vẫn bị cho là khó khả thi. Các hiệp hội thương mại ở Đức cho biết hiện chưa có nhiều người thợ lắp đặt bơm nhiệt. Các tòa nhà cũ sẽ cần nâng cấp cách nhiệt tốn kém. Và sự phức tạp trong các khoản hỗ trợ từ các tỉnh cho hệ thống bơm nhiệt mới (có thể lên tới 21.000 USD), có thể làm chậm quá trình triển khai.
Một vấn đề khác là nguồn điện năng để cung cấp cho sưởi nhiệt. Ở Đức, phần lớn năng lượng điện vẫn được cung cấp từ các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù Đức cũng đã mở rộng đáng kể sản lượng điện tái tạo nhưng điều đó không đảm bảo sự ổn định trước nhu cầu gia tăng đáng kể từ làm ấm bằng điện.
Dự kiến nhu cầu điện sẽ tăng thêm đến 20% vào năm 2030 do sự phát triển của hàng triệu xe điện mới và bơm nhiệt, đòi hỏi việc tăng cường khả năng sản xuất năng lượng tái tạo sẽ cần phải diễn ra nhanh chóng hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống phân phối điện đã quá tải, hay tìm cách lưu trữ nguồn cung cấp điện từ gió và năng lượng mặt trời thất thường.
Đức đang tìm cách lưu trữ nguồn cung cấp điện từ gió và năng lượng mặt trời thất thường |
Thách thức lớn tới nỗi, nhiều chuyên gia đã phải tính đến phương án tái đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện như một phần của giải pháp.
Một báo cáo gần đây về các hạn chế đối với tăng trưởng của Đức từ Deutsche Bank nói: "Nếu không có công nghệ lưu trữ điện hiệu quả trên quy mô công nghiệp lớn trong chiến lược này, thì Đức sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khả năng sản xuất năng lượng dự phòng truyền thống”.
Đó không chỉ bao gồm khí tự nhiên và than đá, mà cả than lignite độc hại hơn. Như vào năm 2022, Đức đã phải tái khởi động không dưới năm nhà máy than lignite đã tắt để bù đắp nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt đứt.
Ông Hans-Werner Sinn, một nhà kinh tế tại Munich, chỉ ra việc Đức thành công trong việc cắt giảm 40% lượng khí CO2 phát thải kể từ năm 1990 đạt được là nhờ “hái quả ở dưới thấp", như dừng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng ở Đông Đức.
Trong cơ cấu năng lượng chính của Đức hiện tại, bao gồm các nguồn nhiên liệu sử dụng cho giao thông và sưởi ấm cũng như sản xuất điện, tỷ lệ của năng lượng tái tạo vẫn còn dưới 20%. Với việc Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân vào đầu năm nay, ông Sinn nghĩ rằng việc làm cho phần còn lại trở nên sạch sẽ cũng đồng nghĩa với việc phải phủ các tấm pin mặt trời và trang trại gió lên khoảng 2% diện tích của Đức, bằng diện tích toàn bộ mạng lưới giao thông của nước này.
Nguồn:Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh