Chuyển đổi xanh và xu hướng tất yếu của thế giới
Tiên phong cho một tầm nhìn dài hạn Net Zero Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chìa khóa của phát triển là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số |
Biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua buộc các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh cuộc cách mạng xanh trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: EY |
Cuộc cách mạng xanh
Việc thiết lập chính sách để tạo đà cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh kinh tế, thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng như GDP và lạm phát.
Được coi là “một trong những sự chuyển đổi kinh tế triệt để nhất trong lịch sử”, Thỏa thuận Paris 2015 là kế hoạch được lên chi tiết nhằm giảm lượng khí thải 46% vào năm 2030. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều chưa có sự đồng thuận rõ ràng.
Để hạn chế biến đổi khí hậu, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - năng lượng, giao thông, nhà ở, nông nghiệp, sản xuất và thậm chí cả dịch vụ - sẽ phải thay đổi nhanh chóng trong hai đến ba thập kỷ tới.
Theo ước tính của ngân hàng Barclays, chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh dao động từ 100.000-300.000 tỉ USD từ nay đến năm 2050. Trên cơ sở hàng năm, mức đầu tư sẽ tương đương với 2-8% GDP toàn cầu, một con số đáng kể nhưng không phải là không khả thi.
Chuyển đổi xanh là một quá trình cấp thiết, khi ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là nông nghiệp khi đe dọa nguồn cung lương thực do mất mùa, lũ lụt, làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực.
Nếu quá trình chuyển đổi xanh thành công, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ được hưởng lợi.
Các quốc gia cùng nhau hành động
Theo dữ liệu do Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Kinh tế (UNCTAD) công bố, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Singapore, Thụy Sĩ và Hà Lan là các quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất để sử dụng, áp dụng hoặc thích ứng với các công nghệ tiên tiến cho quá trình chuyển đổi xanh.
Cách đây một năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), qua đó duyệt ngân sách 369 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng xanh. Nhờ các ưu đãi thuế, các dự án năng lượng mới đã được hoàn thành, khác với tình hình trước đó khi các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí.
Ở các khu vực khác trên thế giới, Liên minh châu Âu đặt ra hàng loạt chính sách mới như Thỏa thuận Xanh và Luật Khí hậu EU nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa về khí hậu vào năm 2050.
Trợ cấp và giảm thuế là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ xanh như xe điện, tấm pin mặt trời hoặc năng lượng tái tạo. Các chính phủ cũng đang cung cấp các khoản trợ cấp và tài trợ cho các viện nghiên cứu, tổ chức học thuật để thúc đẩy đổi mới và phát triển các công nghệ mang tính cách mạng như năng lượng tái tạo, giảm phát carbon, quản lý chất thải và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đức cam kết đầu tư 2,5 tỉ Euro vào cơ sở hạ tầng xe điện. Tại Trung Quốc, ba nhà khai thác xe buýt lớn được khuyến khích chuyển đổi sang xe điện thông qua khoản trợ cấp hàng năm 75.500 USD cho mỗi phương tiện. Tại Việt Nam, công suất lắp đặt điện mặt trời đã tăng 2,435% kể từ năm 2019.
Nguồn đầu tư cho năng lượng xanh cũng chú trọng vào các giải pháp bảo vệ thiên nhiên, nông nghiệp để tạo ra hệ thống lương thực bền vững - bao gồm trồng rừng, phục hồi vùng đất ngập nước, phòng chống cháy rừng và tưới nước. Ví dụ, chính phủ Pakistan dành khoảng 1 tỉ USD trong 4 năm tới cho chương trình trồng rừng, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông.
Nguồn:Chuyển đổi xanh và xu hướng tất yếu của thế giới