Tiên phong cho một tầm nhìn dài hạn Net Zero
“Chuyển dịch xanh” – Hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) Phát động chiến dịch Zace to net zero – giảm phát thải nhà kính |
Chuyển đổi xanh đón tài chính xanh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Và một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo |
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước (NSNN) còn nhiều khó khăn, chi NSNN cho sự nghiệp BVMT hàng năm đã được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,2% tổng chi NSNN. Bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi NSNN cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường (BVMT), thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.
Phiên tọa đàm "Net Zero - Lợi thế của người dẫn dầu |
Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam nhận định, biến đổi khí hậu phụ thuộc vào mức tăng nhiệt độ toàn cầu và khả năng giảm thiểu phát thải khí nhà kính của mỗi quốc gia. Cam kết về phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ cộng đồng quốc tế.
Quy hoạch điện lưới quốc gia của Việt Nam đã ưu tiên đầu tư công, củng cố mạng lưới truyền tải điện, có các giải pháp thay thế năng lượng, thu hút các dự án tư nhân về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thay thế. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gần đây cũng đã trình bày các chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa các đầu tư công và đầu tư tư nhân, tham gia ký kết chuyển dịch năng lượng cân bằng. Cộng đồng quốc tế cũng cam kết đầu tư 15,5 tỷ USD, trong đó Pháp đầu tư ban đầu 500 triệu USD cho các dự án của EVN.
Ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Hervé Conan, chính sách giảm phát thải hướng đến Net Zero sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp. Một số ngành nghề sẽ biến mất và được thay thế bằng những ngành nghề ít phát thải, có nhiều nhu cầu hơn trong chuỗi cung ứng xanh toàn cầu. Các ngành hàng của Việt Nam cũng sẽ phải thích nghi dần với các rào cản thương mại, xuất nhập khẩu liên quan đến giảm phát thải các bon, như Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM) hay gần đây là quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc phá rừng vào châu Âu. Họ sẽ cần được hỗ trợ về mặt kinh tế, pháp lý để có thể giảm dần phát thải trong chuỗi giá trị, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về dấu vết các-bon. Cuộc cách mạng các-bon thấp cần được thực hiện khẩn trương ngay từ bây giờ bởi với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 - 7%, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới.
Trả lời câu hỏi có lợi thế gì khi chuyển dịch xanh càng sớm càng tốt, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp khi sớm triển khai chương trình 1 triệu cây xanh. Vinamilk hiện có 1 nhà máy và 1 trang trại đã đạt trung hòa các-bon, khoảng 17.500 tấn CO2/năm - tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Mỗi dự án phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng nếu đầu tư từ sớm thì trong dài hạn, chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. Vấn đề là doanh nghiệp cần nhận thức được lợi nhuận trong dài hạn đó.
Theo ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết nếu có định hướng về chiến lược sớm thì các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất đồng hành.
Xanh hóa các ngành kinh tế
Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược Tăng trưởng Xanh cũng hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự kiến tháng 12 này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định về kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.
Về kế hoạch này, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường cho biết, quan điểm quốc gia tập trung trong Luật Bảo vệ môi trường, trong đó kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng nguyên nhiên vật liệu hóa thạch, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu, giảm phát thải, rác thải ra môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích về ưu đãi đất đai, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp là trung tâm thực hiện các giải pháp sáng tạo, tích hợp vào sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc phát triển bền vững đến từ khía cạnh hiệu quả. Nếu không chú ý đến môi trường, phát triển bền vững, Việt Nam có thể sẽ chịu tác động rất xấu tới người dân, doanh nghiệp, vượt quá lợi ích kinh tế mà các giai đoạn trước mang lại.
Net Zero – tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiểu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam. Đây là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và của cả người dân.
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta càng làm sớm, càng hiệu quả và rủi ro càng thấp. Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Chúng tôi đã lượng hóa, bổ sung chính sách, dự báo lượng CO2 phát thải theo kịch bản tối ưu và hiệu quả. Hạn chế phát thải khi chúng ta tăng trưởng nhanh cần các giải pháp công nghệ công trình và phi công trình - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Bà Ngọc cũng nêu lên trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía quản lý nhà nước, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng một trong những quan điểm xuyên suốt không phải là vị thế quốc gia mà là lợi ích ngắn hạn, dài hạn cho mỗi người dân. Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, Việt Nam cần ban hành các chính sách dài hạn, dễ dự báo, nhất quán, và có thể thực hiện được. Chính sách phải bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới về tài chính và công nghệ mới.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, gần đây Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII để tăng cưởng chuyển dịch năng lượng xanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức với Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng gia tăng. Theo ông Mitsuhashi, chuyển dịch năng lượng cần được xem là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó còn là đào tạo kỹ năng, xây dựng công nghệ để đáp ứng chuẩn tiết kiệm năng lượng, đẩy nhanh thực hiện các dự án thí điểm với các công nghệ và cơ chế mới để có thể đúc rút bài học, nhân rộng các dự án này trong tương lai.
Nguồn:Tiên phong cho một tầm nhìn dài hạn Net Zero