“Chuyển dịch xanh” – Hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero)
Phát động chiến dịch Zace to net zero – giảm phát thải nhà kính Việt Nam nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển dịch năng lượng xanh |
Net Zero là đạt được sự cân bằng (về 0) giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng khí này được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ. Đến nay, có khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Trong khuôn khổ của Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu đang đe dọa đến an ninh lương thực, nguồn nước, sức khỏe và sự phát triển của nhiều quốc gia và cộng đồng. Việt Nam là nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, Việt Nam cần phải vừa nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, vừa thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh thời gian qua nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn lực hướng tới tăng trưởng xanh. Trong đó, hệ thống chính sách thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định của pháp luật hướng đến bảo vệ môi trường và thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách: Các chính sách nhằm hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa gây tác hại với môi trường.
Bên cạnh đó, là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế này 10% trong 15 năm và miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ dự án đầu tư bảo vệ môi trường...
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế.
Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như: Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong đó có Việt Nam cần chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Ảnh minh họa). |
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Net Zero tăng trưởng xanh là bài toán phức tạp đối với quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam. Net Zero đến 2050 chỉ có thể đạt được khi thay đổi toàn diện về nhận thức từ sản xuất, tiêu dùng, đặc biệt trong tư duy hoạch định chính sách, lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điểm nhấn của tăng trưởng xanh là phải cân bằng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì tiến hành nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh. Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng tiến độ tăng trưởng xanh. Nhờ đó các dự án xanh có điều kiện nguồn tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg với 04 mục tiêu: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc công bằng. Chiến lược xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới mục tiêu cam kết Net Zero trong tương lai. Mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050 được thể hiện chi tiết tại 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó các thách thức về huy động nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng là vô cùng lớn.
Tháng 12 tới đây, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo về Kế hoạch quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, chúng ta đang đứng trước 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tổn thất đa dạng sinh học. Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì để xây dựng kế hoạch quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn dự kiến sẽ được Thủ tướng ban hành vào cuối năm 2023. Kinh tế tuần hoàn được khẳng định là công cụ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quan điểm trong Kế hoạch quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn tập trung vào các nội dung: Kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu hóa thạch; Kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; giảm rác thải ra môi trường và không gây tác động xấu đến môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách khuyến khích liên quan đến ưu đãi về đất đai, trái phiếu xanh, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi xanh; Thứ hai lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, doanh nghiệp có vai trò thiết kế, sáng tạo tích hợp toàn bộ chính sách của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng bền vững; Thứ ba là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Huy động nguồn lực quốc tế và sử dụng nội lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
Nguồn:“Chuyển dịch xanh” – Hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero)