Việt Nam nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển dịch năng lượng xanh
Tạo thuận lợi cho các dự án năng lượng xanh, tái tạo Chuyển dịch năng lượng xanh là xu thế rõ nét thời kỳ mới |
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Giám đốc Quỹ Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP) Simon Harford.
Với việc tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), Việt Nam mong muốn nhận được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế trong quá trình triển khai JETP về phương án xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi, hệ thống truyền tải thông minh với chi phí phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam (về quy hoạch quản trị, công nghệ, thiết kế, thi công…); chính sách tài chính xanh; thúc đẩy hình thành thị trường tín chỉ carbon để đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh như cam kết của Việt Nam về phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và JETP.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có ngay những bước đi, cơ chế hiện thực hóa ý tưởng, cam kết trong JETP về hỗ trợ công nghệ, tài chính, quản trị… cho các dự án năng lượng tái tạo, không phân biệt nước phát triển và đang phát triển.
Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi... |
Trước yêu cầu phải có những dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chí nhà tài trợ vốn, lợi ích doanh nghiệp đầu tư với mức giá điện ở Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác quốc tế, trong đó có GEAPP, tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi trong đầu tư, đấu thầu, tín dụng, phát triển thị trường năng lượng tái tạo…
Cùng với đó, dành các dự án chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ JETP, thực hiện mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, qua đó đóng góp vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực và trên toàn cầu.
"Đơn cử, chi phí đầu tư ban đầu cho điện gió ngoài khơi rất lớn nhưng về lâu dài có hiệu quả đầu tư rất cao, vì vậy, chúng ta phải có tư duy mới trong đầu tư những dự án như thế này.
Quan trọng nhất là cần có dự án cụ thể để nhận diện rõ Chính phủ làm gì, nhà đầu tư làm gì, các tổ chức tài trợ làm gì", Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Theo ông Simon Harford, chuyển đổi năng lượng là quá trình phức tạp, dài hạn, GEAPP cam kết là đối tác lâu dài, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các giải pháp phù hợp cũng như tích cực vận động các đối tác quốc tế về công nghệ, tài chính, quản trị, để Việt Nam có thể sử dụng thêm nhiều nguồn năng lượng sạch, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm trong những ngành nghề mới, là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về năng lượng tái tạo.
Đối với kế hoạch xây dựng mô hình trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi sản xuất điện gió và ý tưởng xây dựng trục truyền tải năng lượng thông minh khu vực xuyên châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần có những nghiên cứu thiết thực, cốt lõi về dự trữ điện năng; sản xuất nhiên liệu sạch (hydrogen xanh, amoniac xanh); truyền tải điện thông minh; gia tăng nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn bảo đảm cân bằng lưới điện; giải pháp vận chuyển, xuất khẩu năng lượng tái tạo…
Theo quy hoạch mà Bộ Công Thương đang trình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 16.000 MW điện gió trên mặt đất, 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên lần lượt là 56.000 MW và 64.000 MW. Đối với điện mặt trời phải có đến 87.000 MW vào năm 2045…
Dự kiến, đến năm 2050 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, nên nguồn vốn để thực hiện theo Quy hoạch điện 8 là thách thức không nhỏ.
Theo ước tính, giai đoạn từ nay đến 2030 cần khoảng 12 – 15 tỷ USD/năm và đến 2050 lên tới 400 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, để làm được điều này cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp.
Nguồn:Việt Nam nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển dịch năng lượng xanh