Duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu rau quả
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ước tính sơ bộ tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đạt 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng của năm 2024 đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay. Trong 7 tháng qua, 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả của Việt Nam hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc và Mỹ, lần lượt đạt 164 triệu USD và hơn 157 triệu USD, với mức tăng trưởng ấn tượng 55% và 33%. Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Hiện hai nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.
Đáng chú ý, Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời cũng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hoàn thiện các hồ sơ, nội dung liên quan. Khi Nghị định thư được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng hơn nữa, đưa sầu riêng trở thành một ngành hàng lớn mạnh.
Sắp tới, dừa tươi Việt Nam cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, qua đó góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả sang thị trường này. |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng sầu riêng chế biến tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng do giá sầu riêng tươi cao và khó tiếp cận đối với nhiều người tiêu dùng. Việc phát triển các sản phẩm chế biến từ sầu riêng là một chiến lược quan trọng để tăng thị phần tại thị trường này.
Ngoài ra, tới đây, dừa tươi Việt Nam cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hứa hẹn sẽ có thêm loại trái cây đạt “tỷ đô”. Do nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 157 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở thị trường châu Á, rau quả Việt Nam còn ghi nhận sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường mới như Anh và EU. Đây là những thị trường có tiềm năng lớn và đang được ngành rau quả Việt Nam chú trọng khai thác. Sự mở rộng thị trường sang châu Âu không chỉ giúp đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp vào mục tiêu đạt 7 tỷ USD trong năm 2024.
Các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng mới tại các thị trường lớn, đồng thời nâng cao chất lượng rau quả xuất khẩu. Ảnh: VH. |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào và nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường truyền thống cũng như mới nổi. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật và pháp lý, như đàm phán và ký kết các nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường một cách bền vững.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng mới tại các thị trường lớn. Đối với thị trường Trung Quốc, ngoài sầu riêng chế biến, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng đang có triển vọng mở cửa nhập khẩu. Sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vị thế và mở rộng thị phần.
Nguồn:Duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu rau quả