Hà Nội: 22°C
Thừa Thiên Huế: 25°C
TP Hồ Chí Minh: 27°C
Quảng Ninh: 20°C
Hải Phòng: 24°C

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia

"Trước đây trong giai đoạn của El Nino sẽ ít bão, ít lụt. Nhưng mà gần đây tôi theo dõi các đợt El Nino và La Nina kết hợp với biến đổi khí hậu nữa thì rất khó dự đoán", TS. Nguyễn Ngọc Huy.
Ngành nông nghiệp Đông Nam Á chịu áp lực từ hiện tượng El Nino Toàn Đông Nam Á bật cảnh báo đối phó với El Nino

Giữa tháng 5.2023, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, dự báo hiện tượng El Nino đang quay trở lại và các tác động có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là khả năng Việt Nam sớm thiếu hụt nguồn nước. Người Đô Thị có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.

Ông Huy nói: Việc thiếu nước không phải đợi đến cuối năm, bây giờ chúng ta đã phải đối diện với hiện tượng thiếu hụt nước ở các hồ rồi. Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết hồ Trị An đã khô hạn, mực nước nhiều hồ chứa thủy điện và thủy lợi ở phía Bắc cũng đã tụt sâu so mức trung bình các năm trước.

Trong suốt giai đoạn từ cuối 2022 đến đầu 2023 có mưa và nắng xen kẽ, nhưng lượng mưa rất ít so với trung bình nhiều năm, cho nên lượng nước bổ sung vào các hồ chứa đã thiếu hụt. Từ đầu năm nay, tôi đã có thông tin cảnh báo trên trang cá nhân về đặc tính mưa hiện khá khác thường so với mọi năm. Đó là ngay cả khi có các trận mưa ở miền Bắc thì chủ yếu chỉ tập trung phía đông bắc và ven biển chứ không có mưa ở phía tây, nơi là nguồn nước chính cung cấp cho các hồ chứa của chúng ta.

Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên sẽ khó khăn

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2023 hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất 70-80%. Vậy ông có thể cho độc giả biết tổng quan về hiện tượng thời tiết này và giải thích ý nghĩa con số 70-80% đã nêu?

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
TS. Nguyễn Ngọc Huy.

Về mặt khoa học, El Nino xảy ra khi sự chênh lệch nhiệt độ trung bình (gọi là phương sai nhiệt độ) trong 3 tháng liên tiếp của bề mặt biển phía đông Thái Bình Dương ở khu vực cận xích đạo, đạt giá trị bằng hoặc lớn hơn 0,5oC so với trung bình của nhiều năm. Phương sai nhiệt độ này càng cao thì mức độ El Nino càng khốc liệt. Bản chất của nó là “pha nóng” với biểu hiện thời tiết khô, nóng, ít mưa.

Đặc biệt các vùng địa lý khu vực Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và cả Thái Lan sẽ nhận lượng mưa ít hơn và nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Con số 70-80% được Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề cập chính là xác suất có thể xảy ra El Nino. Chúng ta thấy đó là xác suất cao, nghĩa là gần như hiện tượng này sẽ xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2023 đầu 2024. Thực ra tôi đã theo dõi El Nino và các mô hình dự báo từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay và đã có cảnh báo rồi.

Theo dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), khả năng xuất hiện El Nino vào cuối tháng 5 đã là 62%, vượt hơn mức 50%, tức xác suất xảy ra khá cao. Và xác suất xuất hiện El Nino tăng cao hơn trong các tháng tiếp theo, lần lượt khoảng 88% vào tháng 6, khoảng hơn 90% vào các tháng từ tháng 7 đến cuối năm. Như vậy không phải đợi đến cuối năm nó mới xuất hiện mà khả năng cao El Nino sẽ bắt đầu trong khoảng tháng 6 và tháng 7.2023.

Như vậy tình trạng thiếu hụt nước ở các hồ chứa nói chung đã xảy ra từ năm ngoái là do nguyên nhân nào, thưa ông?

Đó là do giai đoạn chuyển giao, giới chuyên môn gọi là “chuyển pha”, bắt đầu từ La Nina, rồi qua giai đoạn trung tính ENSO và đến El Nino. Chúng ta đã trải qua quãng thời gian La Nina kéo dài khá lâu, đến khoảng 30 tháng liên tục, bắt đầu từ giữa 2020 cho đến đầu năm 2023. Trong suốt thời gian đó, chúng ta đã chứng kiến mưa bão khá nhiều. Nhưng vào giai đoạn cuối của La Nina thì lượng mưa lại không nhiều và La Nina đã kết thúc vào tháng 2 vừa rồi.

Từ cuối tháng 2 cho đến thời điểm này đang là giai đoạn trung tính. Giai đoạn này cũng là giai đoạn chuyển pha. Cho nên mọi người sẽ thấy hình thái thời tiết cứ một tuần nóng, rồi một tuần lạnh, thay đổi liên tục tạo ra sự không ổn định của thời tiết và gây xáo trộn cả về hình thái mùa. Do đó lượng mưa cũng sẽ thất thường, nhưng không phải do El Nino xuất hiện. Tóm lại do giai đoạn trung tính năm nay có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm, gây nên sự thiếu hụt lượng nước bổ sung cho các hồ chứa.

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
Ngày 13.5, Công ty thủy điện Trị An cho biết nước ở thuỷ điện Trị An xuống thấp nhất trong 12 năm, cận mực nước chết khiến lòng hồ trơ đáy. Ảnh: Phước Tuấn

Hiện tượng El Nino và La Nina tạo ra hai hình thái thời tiết đối nghịch nhau, một cái là khô hạn và một cái là ngập úng. Trong các hình thái đó, hiện tượng tác động đến đời sống khá lớn là mưa bão, lũ lụt. Vậy phải chăng về mặt logic, sắp tới sẽ là El Nino, thì có lẽ tần suất và cường độ của các cơn bão sẽ thấp?

Đúng là El Nino và La Nina tạo ra các hình thái thời tiết đối nghịch nhau cho các khu vực địa lý của Việt Nam, một loại làm cho nắng hạn nhiều hơn và cái còn lại gây ra nhiều mưa bão hơn. Tổng lượng mưa trung bình trong các năm có El Nino sẽ thấp, nhiệt độ sẽ cao và có nhiều đợt nắng nóng hơn so với các năm bị ảnh hưởng bởi La Nina. Mỗi vùng miền của Việt Nam có các đặc tính nhạy cảm khác nhau với cả hai hiện tượng thời tiết này. Từ đó, chúng ta cần xem xét mức độ tác động của El Nino và La Nina mỗi năm trên mỗi đặc điểm địa phương để tính toán mức độ ảnh hưởng, thiệt hại.

Với các năm La Nina, việc gây ra nhiều mưa lũ đi kèm với bão thì mọi người sẽ nhìn thấy các tác động ngay lập tức, như đổ nhà, cây cối, làm hư hỏng hạ tầng, có khi thiệt hại cả về người. Trái lại, hiện tượng khô hạn do El Nino tạo ra tác động rất chậm, và khó nhận diện hệ quả ngay. Hệ quả thường chỉ có thể nhìn thấy vào giữa hoặc cuối kỳ El Nino, khi mà tất cả khủng hoảng do nó gây ra đạt đỉnh.

Gần đây có đến 2 đợt El Nino gần nhau là đợt 2019-2020 và 2015-2016. Đợt El Nino gây tác động lớn nhất vào năm 2016, Việt Nam đã phải đưa ra các thông báo về tình trạng khẩn cấp hạn hán khi hầu hết các con sông, hồ chứa bị khô cạn. Nhiều nơi hết nước, thậm chí cả nước sinh hoạt và tất nhiên không có nước cho trồng trọt, không thể gieo cấy các vụ cây ngắn ngày, các cây lâu năm thì khô cháy, nhất là các nhóm cây cà phê, tiêu, điều, ca cao và cây ăn quả… Thiệt hại vì hạn hán do El Nino tạo ra không thua kém gì so với bão lụt của La Nina.

Mặt khác, El Nino gây ra những thiệt hại không thể tính toán thành tiền được. Tôi thí dụ như trong một hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong điều kiện thiếu nước, họ sẽ phải đi mua nước để vừa tưới tiêu, vừa cho gia súc và cả người uống, với giá nước cao gấp nhiều lần so với bình thường. Những điều đấy không hề có trong các báo cáo, thống kê. Chúng ta không đo đếm được những thiệt hại từ từ, kéo dài đó.

Tuy nhiên, hình thái phổ biến của El Nino là hạn hán nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không đối diện với bão hay mưa lụt. Bởi vì trong các kỳ El Nino vẫn có những đợt bão lụt xen kẽ, và không loại trừ có cả các cơn bão lớn.

Nghĩa là không loại trừ khả năng sẽ có những đợt mưa bão?

Vâng, vẫn không loại trừ. Dựa vào lịch sử thiên tai, trước đây trong giai đoạn của El Nino sẽ ít bão, ít lụt. Nhưng mà gần đây tôi theo dõi các đợt El Nino và La Nina kết hợp với biến đổi khí hậu nữa thì rất khó dự đoán vì tính chất bất ổn định của nó. Điều mà chúng ta biết rõ nhất chỉ là các hiện tượng này sẽ tạo ra sự bất ổn định về mặt thời tiết khá lớn. Nên ngay cả khi xảy ra El Nino, không loại trừ khả năng chúng ta vẫn có thể hứng những cơn bão lớn và cả những trận lụt.

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
Thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa hạn mặn 2020, người dân miền Tây phải mua hoặc nhận sự giúp đỡ từ cộng đồng. Ảnh tư liệu của Lê Thế Thắng

Là chuyên gia biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, ông nhận định thế nào về các kịch bản El Nino có thể tác động ở Việt Nam và mức độ ảnh hưởng khác nhau lên các miền Bắc, Trung, Nam do sự khác biệt địa hình và chế độ thủy văn?

El Nino tạo ra tình trạng khô hạn trên diện rộng, rất rộng. Nó không phải ở một quốc gia mà có thể sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia. Trước hết, phải căn cứ vào lịch sử El Nino để đưa ra các nhận định, so sánh. Năm 2016, phương sai nhiệt độ ở bề mặt biển khu vực cận xích đạo và ở phía đông nam Thái Bình Dương là 2,6oC so với trung bình nhiều năm.

Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay và đó là một trong những lý do El Nino năm đó đã tạo ra đợt hạn hán rất khốc liệt. Còn năm nay, các mô hình dự báo phương sai nhiệt độ cho thấy mức chênh lệch nhiệt độ để gây ra El Nino có thể vào khoảng từ 1,8 - 2oC. Tuy thấp hơn năm 2016, nhưng lại cao hơn mức 1,2oC của đợt El Nino 2019-2020.

Vậy có thể dự đoán mức độ của El Nino năm nay sẽ không khốc liệt bằng năm 2016. Tuy vậy, để đánh giá ảnh hưởng của hạn hán đối với các vùng khác nhau, sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng nước, thời điểm và thời vụ của người dân gieo trồng hoặc các hình thái kinh tế - xã hội phụ thuộc nguồn nước cũng như nhiệt độ.

Phân tích chi tiết về các vùng, như đã nói, Việt Nam sẽ có những vùng nhạy cảm với El Nino. Đó là Tây Nguyên, ĐBSCL và miền Trung bao gồm cả Bắc và Nam Trung bộ, đều là những vùng nhạy cảm với nguồn nước. Đặc biệt ở Tây Nguyên khi thiếu hụt lượng mưa, sẽ tụt giảm mạch nước ngầm và người dân sẽ khó khăn trong tưới cây, chăm gia súc, gia cầm cũng như nước uống cho người. Vì vậy, chúng ta phải có kế hoạch dự phòng nguồn nước dự trữ.

Đây là hiện tượng tự nhiên mà ngay cả khi chưa có biến đổi khí hậu nó đã xảy ra. Nhưng khi có biến đổi khí hậu, tính khốc liệt, thất thường, tính cực đoan của El Nino càng cao hơn. Và biến đổi khí hậu thì khoa học đã chứng minh do tác động lớn bởi con người.

ĐBSCL có thể phải đối diện với tính chất khốc liệt hơn khi số lượng các hồ chứa và các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mê Kông khác so với năm 2016. ĐBSCL nhận hai nguồn nước chính, ngoài nguồn nước mưa tại chỗ, chúng ta đang phải phụ thuộc vào lượng nước xả từ thủy điện xuống. Hiện chỉ có Cà Mau là địa phương nhận nguồn chính là nước mưa tại chỗ. Đa số các tỉnh thành khác nhận nguồn nước từ thượng nguồn Mê Kông. Bản thân thượng nguồn lại phụ thuộc vào lượng mưa ở tây Trường Sơn của Việt Nam, Lào, Myanmar và Trung Quốc.

Như vậy, nếu lượng mưa ở các vùng đó ít, cộng với việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện thì ĐBSCL sẽ không tránh khỏi hạn hán và xâm nhập mặn với mức độ khá cao vào cuối năm nay và đầu năm sau. Tác động đó càng rõ ràng hơn khi đúng vào mùa khô và xâm nhập mặn vào trong đất liền.

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
Sông Yun chảy qua huyện Ayun Pa (Gia Lai) những ngày hạn, người dân ở xã La Yeng bới cát ở các bải bồi để lấy nước lọc, cho vào can 10 lít gùi về nhà để dùng. Ảnh tư liệu: Trung Dũng

Có thể mở ngoặc hỏi thêm, cái “khác” so với năm 2016, còn là số lượng đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông đã tăng lên không, thưa ông?

Tôi không thể nói một cách chính xác bằng số liệu được. Nhưng ngay cả khi số thủy điện nhiều hơn nhưng cách vận hành có sự tính toán tốt, điều độ thì việc phân phối lượng nước cũng có thể cân đối được. Tuy nhiên, việc này quá khó. Chúng ta rất khó thuyết phục một nhà máy thủy điện không thuộc quản lý quốc gia của mình để yêu cầu họ mở đập xả nước. Năm 2020, Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu phía các đập thủy điện thượng nguồn xả nước để “cứu hạn” ĐBSCL. Việc này sau đó cũng được đáp ứng nhưng khá muộn.

Bên cạnh nguồn nước, những ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ tạo ra mùa hè, mùa đông khắc nghiệt hơn và theo ông, sẽ tác động nhiều nhất vào mặt nào của đời sống?

Ngay trong mùa hè năm nay, tổng nền nhiệt sẽ cao hơn 1-1,5oC so với trung bình hàng năm. Và El Nino sẽ tạo ra những đợt phá vỡ kỷ lục. Như vừa rồi Việt Nam đã chứng kiến hai lần phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong 2 ngày liên tiếp. Ngày 6.5, ghi nhận nhiệt độ không khí 44,1oC ở huyện Quan Hóa, phía tây tỉnh Thanh Hóa. Chỉ ngày hôm sau 7.5, ghi nhận kỷ lục mới lên đến 44,2oC ở huyện Tương Dương, phía tây nam tỉnh Nghệ An. Các đợt phá vỡ kỷ lục nhiệt độ vẫn có thể tiếp tục xảy ra vì đây không phải là kỷ lục cuối cùng.

Việt Nam sẽ có những vùng nhạy cảm với El Nino. Đó là Tây Nguyên, ĐBSCL và miền Trung bao gồm cả Bắc và Nam Trung bộ, đều là những vùng nhạy cảm với nguồn nước.

Nhiệt độ tăng cao trên diện rộng đe dọa sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn các lĩnh vực nhạy cảm với nhiệt độ. Với ngành năng lượng khi El Nino xảy ra, các hồ chứa tụt nước, nhà máy thủy điện không thể vận hành hết công suất, tổng sản lượng điện sẽ sụt giảm. Cộng thêm khi nắng nóng càng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện càng tăng cao. Từ đó tạo ra khủng hoảng cung cấp điện.

Thiếu hụt nguồn nước và gia tăng nhiệt độ là những yếu tố chính tạo ra các khủng hoảng lan truyền khác. Như tôi đã đề cập từ đầu, khá nhiều ngành nhạy cảm đối với El Nino, bao gồm năng lượng, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho các vùng. Như Tây Nguyên nơi nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước hồ chứa, sông suối và nước ngầm, hoặc vùng đô thị, vùng ven biển là nước mặt. Nếu lượng nước ở các hồ tụt xuống, nước mặt cung cấp cho đô thị sẽ giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Và khi sông Mê Kông không đưa lượng nước ngọt cần thiết về hạ nguồn sẽ không đẩy được nước mặn ra biển.

Xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền khiến cho thiếu cả nước sinh hoạt đối với người dân ĐBSCL trong các tháng hạn mặn. Chúng ta cần hết sức chú ý tháng 1-3.2024 là thời gian nguy cơ cao thiếu nước sinh hoạt, nước ngọt, thiếu nước cho cây trồng, gia súc, vật nuôi ở ĐBSCL.

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
Tại bon Bù Dấp 1, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) người dân phải đào giếng để có nước tưới tiêu, sinh hoạt. Người dân cho biết, vì có địa hình thấp nên đào sâu khoảng 30m thì mới có đủ nước để dùng. Ảnh tư liệu: Trần Việt Đức

Khó đoán định, nhưng không có nghĩa giải pháp phòng chống thiếu khả thi

Hiện tượng El Nino có chu kỳ và kéo dài bao lâu, thưa ông?

Trước đây chu kỳ của El Nino thông thường 1-2 năm, của La Nina là 1-2 năm, rồi đến một vài năm trung tính… Nhưng bây giờ theo quan sát của tôi, thời gian của giai đoạn trung tính ít đi và chủ yếu thay thế nhau giữa El Nino và La Nina. Ví dụ chúng ta vừa mới có La Nina kéo dài khá lâu từ 2020-2023, nhưng giai đoạn trung tính chỉ có ba tháng thôi, hiện có nguy cơ cao chuyển thành El Nino. Chúng ta cũng không xác định được là nó sẽ kéo dài bao lâu vì tính bất ổn định ngày càng rõ. Với đợt El Nino sắp tới, ít nhất dựa trên các số liệu phân tích, có thể thấy rằng nó sẽ kéo dài đến mùa xuân năm sau nhưng không chắc chắn sau đó nó có chuyển qua giai đoạn trung tính hay không.

El Nino, La Nina ngày càng bất ổn định có liên quan đến biến đổi khí hậu hay là một tất yếu khách quan? Và những tác động của con người đã làm thay đổi tần suất, mức độ của nó?

Cần biết rằng ngay cả khi chưa có biến đổi khí hậu, thì các hiện tượng thời tiết này đã có hàng trăm năm trước. Trong số liệu của tôi có thống kê El Nino từ những năm 1950 đến bây giờ. Cho nên nó là một trong những vấn đề tất yếu của các hiện tượng chu kỳ khí hậu thôi, chỉ khác là mức độ ngày càng cực đoan.

Tần suất dày hơn, khó đoán định hơn và tính chất cực đoan hơn có yếu tố tác động của con người. Như đã nói, đây là hiện tượng tự nhiên mà ngay cả khi chưa có biến đổi khí hậu nó đã xảy ra. Nhưng khi có biến đổi khí hậu, tính khốc liệt, thất thường, tính cực đoan của El Nino càng cao hơn. Và biến đổi khí hậu thì khoa học đã chứng minh do tác động lớn bởi con người.

Tính dự báo quan trọng cho giải pháp phòng, chống nhưng sự bất ổn định quá cao của các hiện tượng liệu sẽ khiến cho việc phòng, chống trở nên bất khả thi?

Không, các giải pháp phòng, chống hoàn toàn khả thi và rất hiệu quả. Với El Nino, giải pháp quan trọng nhất là tiết kiệm nước, điều phối nguồn nước và lập kế hoạch ứng phó. Việt Nam là một quốc gia vừa thừa, vừa thiếu nước. Nếu so sánh với các quốc gia khác, như Israel chẳng hạn. Lượng nước mà họ nhận được rất ít nhưng vẫn có thể canh tác tốt và trở thành quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới. Bí quyết là vận hành và tiết kiệm tốt nguồn nước. Vì vậy, quan trọng nhất là ý thức nguồn nước luôn có giới hạn nên phải biết cách tận dụng và sử dụng tiết kiệm.

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia
Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau ngày 22.5 cho biết Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh: Kim Há

Nếu cứ áp dụng phương pháp tưới tràn ngập ruộng thì lượng nước dành cho cây lúa rất lớn và sẽ chiếm mất phần nước lẽ ra được dùng cho việc khác. Quan điểm mới trong trồng lúa là thay vì làm như thế, nông dân vẫn có thể để ruộng khô hoặc ruộng ẩm, không nhất thiết duy trì ruộng ngập nước. Làm như thế còn giúp giảm phát thải khí nhà kính từ việc trồng lúa. Vì ruộng lúa ngập nước có nguy cơ phát thải methane (CH4) rất cao. Việc bơm quá nhiều nước cho cây lúa trong điều kiện hạn hán không phải là một chiến lược hay.

Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch dựa trên tính toán ít nhất trong vòng 3-6 tháng trước dự báo có El Nino để cắt vụ. Chẳng hạn ở ĐBSCL có thể giảm lúa vụ ba. Chúng ta phải áp dụng bài toán thoái lùi hay biết lùi trước thiên nhiên. Nhưng trên hết công tác dự báo phải tốt mới có thể hỗ trợ được việc hoạch định kế hoạch và giúp đạt hiệu quả ứng phó.

Chúng ta phải triệt để tích trữ nước mưa trong mùa mưa này, dù mưa không nhiều, và tích trữ nước ở tất cả hộ gia đình là cần thiết. Người dân ở ĐBSCL cần chuẩn bị phương tiện, vật dụng, thiết bị để có thể tích trữ đủ lượng nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chăm sóc gia súc ít nhất trong ba tháng. Đấy là một cách phòng hạn hiệu quả nhất.

Về mặt vĩ mô, việc Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa ra thông báo đối với các tỉnh thành và Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai Quốc gia về khả năng xảy ra El Nino là một trong những bước để lập kế hoạch phòng chống. Điều này cũng khá quan trọng rồi.

Xin cảm ơn ông.

PGS-TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ:

Dùng hệ thống sông, kênh không còn vai trò giao thông thủy để trữ nước ngọt

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia

El Nino được dự báo sẽ xảy ra trong năm nay và thường gây ra hạn hán ở lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Do vậy hiện tượng xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong những năm có hiện tượng này.

Xâm nhập mặn trong năm nay có thể sẽ xảy ra nghiêm trọng, với những diễn biến khó lường. Với kinh nghiệm ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước từ thượng nguồn của bà con nông dân trong những năm gần đây, việc tích cực trữ nước ở các cấp khác nhau cần được thực hiện. Từ việc trữ nước trong ao vườn, hoặc từ các thiết bị bị trữ nước ở cấp hộ dân đến việc trữ nước ở cấp vùng. Ví dụ, sử dụng các hệ thống các sông, kênh không còn vai trò quan trọng trong giao thông thủy để trữ nước ngọt.

Việc quan trắc thường xuyên để nhận ra khi nào nước mặn xâm nhập cần được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo công tác vận hành cống ngăn một cách hiệu quả nhất, hạn chế được xâm nhập mặn.

Về lâu dài, cần tổng hợp các thông tin quan trắc, cụ thể là quan trắc mặn và đảm bảo các thông tin này đến được người dân. Chúng ta nên kết hợp kiến thức của các nhà khoa học có liên quan để có thể có được những cảnh báo sớm cho vấn đề xâm nhập mặn. Việc này sẽ được thực hiện nếu bước cơ sở dữ liệu được đảm bảo. Việt Nam cần có quản lý chính thống từ phía nhà nước, chẳng hạn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như cần có sự chung tay của cộng đồng gồm các đơn vị viện trường, các công ty lớn.

TS. Trần Đức Trinh - Nhóm Nghiên cứu phát triển bền vững, Đại học RMIT Việt Nam:

Quan trọng là tối ưu hóa nguồn nước

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia

Hiện tại, Việt Nam khai thác khoảng 30% điện năng từ thủy điện và mức tương tự từ các nhà máy nhiệt điện than. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới và Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng bắt đầu từ nửa cuối năm 2023.

Ở Việt Nam, hiện tượng này nhìn chung đi kèm với lượng mưa thấp hơn trung bình, đồng nghĩa với lượng nước dẫn về nhà máy thủy điện trong mùa mưa sẽ thấp hơn mức trung bình. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, để tạo ra thủy điện, các hồ chứa cũng có thể hoạt động giống như “pin nước”, bơm nước lên khi nhu cầu điện thấp và xả nước vào thời điểm nhu cầu cao. Khi mực nước hồ chứa giảm xuống mức thấp, khả năng lưu trữ năng lượng của hồ chứa giảm đáng kể. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tối ưu hóa nguồn nước của Việt Nam bằng cách sử dụng thủy năng của dòng chảy trên các hệ thống sông và bơm trữ nước ngoài giờ cao điểm một cách hiệu quả hơn.

Nguồn:El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia

Quốc Ngọc
moitruongvadothi.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Arsenal sắp chia tay nhân vật quan trọng bậc nhất

Arsenal sắp chia tay nhân vật quan trọng bậc nhất
HLV Mikel Arteta sắp mất một cộng sự đắc lực khi Giám đốc thể thao Arsenal Edu Gaspar đã lên kế hoạch chia tay sân Emirates.

Kỳ Duyên gặp bất lợi tại Miss Universe 2024

Kỳ Duyên gặp bất lợi tại Miss Universe 2024
Rất nhiều người hâm mộ tại quê nhà đang ngóng chờ những màn thể hiện và sự bứt phá của Kỳ Duyên tại Miss Universe 2024.

Vinamilk 16 năm liền là thương hiệu quốc gia nhờ chất lượng, sáng tạo và bền vững

Vinamilk 16 năm liền là thương hiệu quốc gia nhờ chất lượng, sáng tạo và bền vững
Thương hiệu sữa có giá trị thứ 6 toàn cầu - Vinamilk - tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, viết tiếp một hành trình đặc biệt và khác biệt của doanh nghiệp sữa Việt duy nhất giữ vững danh vị này trong 16 năm liên tiếp.

Đa dạng phương pháp tiếp cận trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Đa dạng phương pháp tiếp cận trong xúc tiến, quảng bá du lịch
Những tháng cuối năm được xem là mùa du lịch của du khách quốc tế đến với TP. Đà Nẵng, do đó, ngành du lịch TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiếp cận du khách, nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút đông...

Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ mưa rét

Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ mưa rét
Hiện nay, không khí lạnh đã tác động hầu hết Bắc Bộ, gây mưa vài nơi, trời lạnh về đêm và sáng sớm, vùng núi cao trời rét, có nơi dưới 16 độ C. Trung Bộ thời tiết vẫn mưa, có nơi mưa rất to.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.