Giá dâu tằm tăng cao vì "cháy hàng" sau mất mùa
Hậu Giang: Sức hút thị trường mùa nóng Đẩy nhanh thanh toán qua kho bạc, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm giải ngân |
"Quên cả ăn để thu hái vẫn không đủ bán"
Là vùng đất bãi ven sông Đáy, người dân xã Hiệp Thuận (H.Phúc Thọ, Hà Nội) từ lâu đã gắn bó với cây dâu và nghề nuôi tằm. Vẫn là cây dâu tằm, nhưng khoảng nhiều năm trở lại đây, các hộ chuyển sang trồng lấy quả. Cây dâu tằm giúp người dân địa phương có thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững.
Người nông dân phấn khởi khi dâu được bán giá cao |
Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, những vườn dâu tằm tại đây bắt đầu chín. Theo ghi nhận của Thanh Niên, thời điểm này, tại các nhà vườn đều tấp nập người mua, kẻ bán. Các hộ dân trồng dâu cho biết, vụ dâu năm nay thời tiết bất lợi nên năng suất thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, mỗi ngày tại đây cung cấp cho thị trường vài tấn quả tươi.
Năm nay, do thời tiết thất thường, dâu chín không đồng đều, việc thu hoạch khó khăn, giá bán cho các thương lái tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Giá bán lẻ dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn so với năm trước từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Gia đình bà Đỗ Thị Huệ (trú xã Hiệp Thuận) trồng hơn 30 gốc dâu. Những ngày này, các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau thu hoạch. "Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch dâu tằm. Mưa ít, sương muối liên tục khiến lượng dâu tằm thu hoạch bị ảnh hưởng, sản lượng năm nay không bằng năm ngoái. Tôi bán cho thương lái mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, hái liên tục mới kịp xuất hàng, lắm hôm quên cả ăn để thu hái những vẫn không đủ để bán", bà Huệ nói.
Lý giải về việc dâu tằm được giá, bà Huệ cho rằng bên cạnh thời tiết thất thường khiến sản lượng giảm, còn có câu chuyện một số nhà vườn tại xã Hiệp Thuận mất trắng diện tích dâu tằm do không chăm sóc cẩn thận, phải chặt gốc từ sớm. "Có 10 nhà thì chỉ khoảng 5 nhà được thu hoạch. Thời tiết diễn biến thất thường, không chăm sóc cẩn thận cộng với sâu bệnh nên dâu rụng nhiều, quả nhỏ, không bán được", bà Huệ nói.
Cách vườn dâu nhà bà Huệ không xa là vườn dâu của gia đình anh Cường (38 tuổi). Anh Cường cho biết, gia đình anh có 2 sào dâu với khoảng 60 gốc, dự kiến thu về 10 - 12 triệu đồng/sào.
"Thấy diễn biến thời tiết thất thường từ đầu năm nên gia đình tôi đã trang bị hệ thống tưới, tiêu đầy đủ. Bên cạnh đó cũng phải tỉa cành, trị sâu bệnh, chăm bón sao cho đến thời điểm hiện tại có thể thu hoạch được nhiều nhất, cho ra thị trường sản lượng dâu tằm đều, tươi và chín đen mọng", anh Cường chia sẻ.
Thương lái tranh nhau mua
Hiện nay, xã Hiệp Thuận có khoảng 6 ha dâu tằm với khoảng 60 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các thôn Hiệp Thuận 1, 2, 3; trung bình mỗi hộ có từ 1 - 3 sào dâu.
Theo các chủ vườn trồng dâu lâu năm tại xã Hiệp Thuận, cây dâu có ưu điểm ít phải chăm sóc, thường chăm bón 1 năm/vụ vào tháng 10, thu hoạch quả sau 5 tháng sinh trưởng.
"Trồng dâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, lúa nên được nhiều nhà lựa chọn để thâm canh. Mùa dâu chín rộ cần thu hoạch nhanh, nếu không quả sẽ chín quá và rụng. Trái dâu có chất lượng tốt phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời nắng nóng dâu ngọt, khi mưa dâu nhạt hơn", bà Năm (65 tuổi), một người trồng dâu lâu năm, cho biết.
Với ưu điểm có vị ngọt, dịu mát, hiện dâu tằm Phúc Thọ được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tìm mua về ngâm để giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực. Một số doanh nghiệp cũng đã dùng dâu tằm để ngâm rượu, làm siro hoặc sản xuất nước giải khát... nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi.
Chị Nguyễn Thị Huyền (trú P.Cầu Diễn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), một thương lái chuyên buôn bán hoa quả, cho biết chị bắt đầu nhập bán dâu ngay từ cuối tháng 3 và luôn đến tận vườn thu mua sau khi đã đặt trước.
"Khác với một số loại quả khác, giá dâu càng về cuối vụ sẽ càng lên vì không có hàng bán. Tôi xuống mua tận vườn từ sớm, mặc dù đã đặt trước nhưng những ngày gần đây gom mấy nhà mới được 1 tạ dâu. Dâu đa phần chỉ bán ngay tại đầu bờ, mỗi ngày một giá, không ổn định. Mấy hôm trước giá mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, nay giá mua vào ở một số vườn đã tăng lên 18.000 đồng/kg", chị Huyền cho biết.
Nhận thấy giá dâu bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thủ đô dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg và đa phần khách hàng mua về để làm siro, anh Lê Đức Hiếu (trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội), thương lái thường đến thu mua tận vườn để chọn những quả dâu đều, chín đen mọng, chia sẻ: "Tôi có mặt ở đây từ sớm, đến tận từng vườn để lựa và hỏi mua. Nhiều vườn còn ít do sắp cuối vụ và các thương lái đã đặt mua trước đó nên tôi phải tốn công đi từng nhà gom ít một. Giá bán lẻ gần như gấp đôi bán buôn nên tranh thủ ngày nào cũng xuống để thu mua, bán kiếm lời".
Đa số các chủ vườn dâu tằm đều nhận định, giá dâu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi thời tiết thất thường, sản lượng thấp và không có hàng để bán.
Nguồn: Giá dâu tằm tăng cao vì 'cháy hàng' sau mất mùa