Gia Lai: Chuyện người Jrai bảo tồn cồng chiêng
Ông Puih Bé bày biện một số cồng chiêng quý của gia đình trước hiên nhà để cùng chiêm ngưỡng. Ảnh: R.H |
Khi biết chúng tôi đến nhà “mục sở thị” các bộ cồng chiêng, ông Puih Bé (SN 1941, trú tại làng A) nhanh nhẹn bày biện một số cồng chiêng quý của gia đình trước hiên nhà để cùng chiêm ngưỡng. Hiện nay, gia đình ông Bé sở hữu 2 bộ cồng chiêng (40 chiếc). Gia đình này được coi là một trong ít hộ có nhiều cồng chiêng trong làng.
Ông Bé thổ lộ: Thời trai trẻ, ông rất mê cồng chiêng, mỗi khi nghe người già trong làng đánh cồng chiêng ông đều tìm đến và học hỏi họ cách diễn tấu. Thấy ông mê đắm, thích thú, người lớn hướng dẫn chỉ dạy. Sau đó, ông thành thạo diễn tấu loại nhạc cụ này với nhiều bài truyền thống của dân tộc mình.
Không dừng lại ở đó, ngoài 1 bộ cồng chiêng của cha mẹ để lại, ông đã bán 3 con bò, 1 con heo và hơn 1 tạ lúa để mua thêm 1 bộ cồng chiêng khác. Có cồng chiêng mới, ông thường xuyên cùng đám thanh-thiếu niên trong làng tập luyện để nâng cao kỹ năng.
Năm 1960, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, ông gác lại chuyện riêng rồi lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Ngày đó, toàn bộ cồng chiêng ông để lại cho bố mẹ mình cất giữ, trông coi. Sau khi đất nước thống nhất, ông về làng lập gia đình và tiếp tục đánh cồng chiêng phục vụ đời sống. Đồng thời, dẫn dắt người trẻ trong làng học đánh cồng chiêng để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.
“Nhiều lần người ta hỏi mua 2 bộ cồng chiêng của gia đình nhưng tôi nhất quyết không bán. Bây giờ, dù tuổi cao, sức khỏe đã suy giảm và không thường xuyên đánh cồng chiêng nữa nhưng các bộ cồng chiêng này tôi cho dân làng mượn để phục vụ công việc chung. Tôi cũng nhắc nhở mọi người phải trông coi cẩn thận, không được để cồng chiêng hư hỏng, tránh mất mát”-ông Bé bày tỏ.
Cũng theo ông Bé: Cồng chiêng được dân làng xem là vật quý trong nhà. Bởi vậy, gia đình nào sở hữu nhiều cồng chiêng được xem là giàu có, dân làng nể nang. Ngày xưa, nhiều hộ trong làng đều có 1-3 bộ cồng chiêng. Tuy nhiên, do một số gia đình đem bán và bị kẻ gian đánh cắp nên số lượng cồng chiêng trong làng đã ít dần. Để bảo tồn cồng chiêng, tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong làng gìn giữ các bộ cồng chiêng. Nhờ vậy, hiện nay, người dân làng A vẫn còn lưu giữ 22 bộ cồng chiêng.
Phó Chủ tịch UBND xã Gào Puih Lêr (bìa trái) kiểm đếm cồng chiêng của gia đình ông Puih Bé. Ảnh: R.H |
Tương tự, hàng chục năm nay, gia đình ông Siu Yê (SN 1963, cùng trú làng A) cũng gìn giữ cẩn thận 1 bộ cồng chiêng 17 chiếc của bố mẹ để lại. Với ông, bộ cồng chiêng này không chỉ là kỷ vật quý giá của bố mẹ mà còn là chứa đựng yếu tố tâm linh, phục vụ các nghi lễ của cộng đồng nên ông rất trân quý và bảo quản thật tốt.
“Cồng chiêng phục vụ tất cả sự kiện vui, buồn của dân làng. Trước đây, sau khi người thân trong gia đình qua đời, cùng với việc đốt heo, bò và chôn cất những tư trang hàng ngày của người mất, những hộ gia đình người Jrai có cồng chiêng còn đem bỏ 1-2 chiếc cồng chiêng để chôn cùng, việc làm này gây nhiều lãng phí. Bởi vậy, hiện nay, tập tục này bà con đã từ bỏ và không còn thực hiện nữa”-ông Yê cho hay.
Ông Siu Yê lau chùi cồng chiêng của gia đình mình. Ảnh: R.H |
Trao đổi với P.V, ông Puih Lêr-Phó Chủ tịch UBND xã Gào thông tin: Toàn xã có 1.187 hộ với 5.385 khẩu tại 7 thôn, làng. Hiện, xã có 39 bộ cồng chiêng, trong đó, tập trung nhiều nhất là làng A với 22 bộ cồng chiêng; làng D 10 bộ; làng B 5 bộ. Đến nay, xã có 4 đội cồng chiêng.
“Bà con sử dụng cồng chiêng vào các dịp lễ bỏ mả, hiếu hỉ và tham gia các sự kiện do địa phương tổ chức. “Tre già, măng mọc”, các nghệ nhân, người già trong làng cũng thường xuyên truyền dạy cho giới trẻ đánh cồng chiêng, múa xoang. Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, xã cũng bố trí kinh phí phù hợp cho Trung tâm học tập cộng đồng của xã để tổ chức truyền dạy cồng chiêng”-ông Lêr cho biết thêm.
Nguồn: Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng