Hà Nội: 27°C
Thừa Thiên Huế: 24°C
TP Hồ Chí Minh: 33°C
Quảng Ninh: 22°C
Hải Phòng: 26°C

Gia Lai: “Cõng” khách lên ngàn

Hai chân liên tục bơi trên lớp bùn nhão nhoẹt, anh Tưởng Phi Luân-cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cố giữ cho xe máy khỏi ngã khi vượt qua đoạn đường trơn trượt như đổ mỡ. Đến đoạn dốc cao gần như thẳng đứng, anh nhắc tôi ngồi sát về phía trước, ôm người anh thật chặt khi chiếc xe tăng ga vượt dốc.
Gia Lai phát triển bền vững cây chanh dây Gia Lai-Bạc Liêu kết nối giao thương

Cũng nhờ tham gia chuyến đi thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức mới đây mà tôi mới hiểu rõ hơn về nghề mưu sinh độc-lạ nơi đây, đó là “cõng” du khách lên ngàn ngắm thác 50.

“Cõng” khách mưu sinh

Anh Luân được giao nhiệm vụ chở tôi vào tham quan thác 50. Luân dáng người hơi gầy, có biệt tài “làm xiếc” với chiếc xe máy nên được tuyển chọn vào đội xe ôm tham gia chở du khách vượt đường rừng vào ngắm thác. Trước khi khởi hành, anh Luân bảo: “Đường từ trụ sở Khu Bảo tồn vào đến thác 50 (hay còn gọi là thác Hang Én) chỉ khoảng chừng 17 km nhưng không dành cho những người yếu tim!”.

Rời trụ sở Khu Bảo tồn chừng hơn 200 m, thử thách đầu tiên là đoạn đường đất trơn trượt như bôi mỡ. Chiếc xe máy men theo dấu bánh xe ô tô lún sâu xuống mặt đất để nhích từng đoạn một. Đôi chân dài ngoằng của anh Luân giờ mới phát huy tác dụng khi “bơi” liên tục trên lớp bùn để giữ cho xe khỏi ngã. Chiếc xe máy bị xìa bánh liên tục, cảnh báo du khách “vồ ếch” nếu bất cẩn. Mắt không rời khỏi mặt đường, anh Luân nói: “Đi đoạn này rất mỏi chân. Mùa nắng đường khô ráo thì đỡ vất vả, chứ lúc mưa xuống là đường trơn, đất bùn bám vào bánh xe rất khó đi”.

“Cõng” khách lên ngàn ảnh 1

Đường vào thác 50 (huyện Kbang) còn hơn 3 km trơn trượt rất khó đi. Ảnh: Minh Nguyễn

An toàn thoát khỏi đám bùn lầy tầm 3 km đến đoạn bê tông rộng 3 m, chúng tôi mới thở phào. Lúc này, anh nhân viên trẻ mới giới thiệu đôi chút về mình. Anh cho biết, mình vừa bước qua 28 tuổi và có hơn 6 năm gắn bó với ngành lâm nghiệp. Ngày ra trường, Luân bắt đầu công việc giữ rừng tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng (xã Sơn Lang), sau đó thi vào Khu Bảo tồn, cũng ngót nghét 3 năm. Ngoài công việc của nhân viên kỹ thuật, cơ quan còn tạo điều kiện cho anh tham gia chở khách vào thác để kiếm thêm thu nhập.

Mỗi chuyến đưa đón, anh Luân được khách trả công 400 ngàn đồng. Mùa “cõng” khách diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm và dịp lễ, Tết, chủ yếu vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. “Lúc cao điểm, có ngày, tôi chở 3 cuốc, có tháng cũng kiếm thêm được vài triệu đồng. Còn ngày thường thì thỉnh thoảng mới có khách. Tranh thủ đưa khách vào thác xong, tôi chạy về xã Đông (cách đó hơn 60 km) thăm nhà, đến trưa chủ nhật lại chạy vào chở khách ra. Hôm nào khách đông thì ở luôn tại cơ quan”-anh Luân chia sẻ.

Đang vui chuyện, anh Luân chợt bảo tôi ngồi ôm cho chặt, bởi phía trước mới là đoạn đường “nhọc” nhất. Trước đây, đoạn đường gần 7 km này du khách chỉ lội bộ, việc mang vác lều bạt, ba lô, thức ăn đã có các porter (người dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc) đảm nhận. Hơn 2 năm trở lại đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2 m chạy đến gần thác. Vừa kể, anh Luân vừa về số, rú ga lấy trớn vượt dốc. Mỗi khúc cua, mỗi cú bẻ đều khiến tim tôi đập thình thịch, nhiều lúc tưởng chừng người và xe muốn lao xuống vực. Dốc lên thẳng đứng khiến chiếc xe như muốn chổng ngược phía sau; dốc xuống thì thăm thẳm làm người ngồi sau như lấn đuổi người ngồi trước.

“Cõng” khách lên ngàn ảnh 2

Đội xe ôm-là các nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tham gia chở du khách vào tham quan thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Ấy thế mà anh Luân bình tĩnh đến lạ. Anh còn quay lại tếu táo trêu: “Anh nặng cân nhưng biết cách ngồi nên người cầm lái cũng đỡ. Chứ nhiều người sợ quá, cứ hết nghiêng bên này lại nghiêng sang bên kia, vừa khó chở vừa dễ bị ngã. Đặc biệt là khách Tây, họ ít ngồi xe máy nên rất khó chạy xe. Mà ở những đoạn dốc như thế này, nếu không lấy trớn thì không thể lên nổi. Có nhiều người không chịu được thử thách, nhất quyết đòi xuống lội bộ. Nhiều trường hợp xe tắt máy giữa dốc, theo phản xạ, có khách còn nhảy khỏi xe nên bị trầy xước”.

Xe dừng lại ở đỉnh dốc bởi phía dưới là những bậc thang sâu hun hút. Đây cũng là điểm tập kết để mọi người đi bộ khoảng 1 km nữa để xuống điểm dựng lều. Vừa đến nơi, anh Lê Văn Tiền-phóng viên Báo Tiền Phong đã thở phào nhẹ nhõm và hóm hỉnh nói: “Hành trình này chống chỉ định với những người yếu tim, phụ nữ mang thai và người có thể trạng không tốt hoặc thoái hóa khớp”. Theo anh Tiền, nhiều lần trải nghiệm cung đường rừng nhưng lần này anh lại cảm phục tài lái xe của các anh, nhiều pha xử lý đến… rụng tim.

“Níu chân” cán bộ giữ rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có hơn chục người hành nghề “xe ôm” giống như anh Luân. Theo sự chia sẻ của anh Phan Văn Công thì từ một “lâm tặc cộm cán”, anh được cảm hóa thành nhân viên lái xe cho Khu Bảo tồn. Ngoài những lúc cùng lãnh đạo đi công tác, anh Công tham gia đội “xe ôm” chở khách du lịch lên thác. Không những vậy, anh còn kiêm luôn việc nấu ăn phục vụ du khách.

Việc làm thêm cũng giúp anh một khoản thu nhập kha khá. Đợt cao điểm, lượng khách đông, có tháng, anh Công có thêm 7-8 triệu đồng. Ngoài ra, vợ anh cũng được cơ quan tạo điều kiện nhận làm nhân viên cấp dưỡng. Nhà cách nơi làm việc tầm 7 km, gần chồng con và gia đình, chị có điều kiện hơn để chăm sóc 2 con nhỏ, anh cũng yên tâm công tác, không quay lại “đường cũ”.

Ngoài công việc tuần tra bảo vệ rừng, anh Đinh Văn Thiêng cũng tham gia chở khách vào thác. Với anh Thiêng, lái xe đi rừng là việc thường ngày. Anh Thiêng đúc kết kinh nghiệm: “Trăm hay không bằng tay quen, chạy miết rồi cũng chắc tay”. Ngoài ra, anh Thiêng còn nhiều tài lẻ khác nên được chọn tham gia phục vụ nấu ăn cho các đoàn khách du lịch.

Được mệnh danh “rái cá vùng non cao”, chỉ cần mang theo cái chài nhỏ hoặc tay lưới, đôi khi chỉ là cái cành trúc buộc thêm dây câu nhưng kiểu gì anh Thiêng cũng kiếm được vài ký cá. Thêm nắm lá bứa, lá giang rừng là anh có thể phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản từ thiên nhiên của du khách.

“Cõng” khách lên ngàn ảnh 3

Anh Đinh Văn Thiêng-nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ngoài việc giữ rừng, còn tham gia chở khách vào thác, phục vụ du khách món cá đặc sản từ thiên nhiên. Ảnh: Minh Nguyễn

Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên Bahnar các vùng lân cận có thu nhập từ du lịch. Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) cho hay: Những năm gần đây, thác 50 hùng vĩ nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn đang là địa điểm hút khách du lịch. Họ đến ngắm cảnh thác, thưởng lãm vẻ đẹp của núi rừng nhưng cũng tạo cho người dân cơ hội có thêm thu nhập từ những nghề mới như: chở khách, vận chuyển đồ đạc, phục vụ nấu ăn.

Theo anh Quý, trước đây, đường đi lại khó khăn, phải đi bộ mất hơn 6 tiếng đồng hồ mới đến thác, còn phải gùi vác đồ đạc lỉnh kỉnh khoảng 35-40 kg phục vụ du khách. Giờ thì chỉ mất vài chục phút đã đến nơi. Bắt nhịp với điều kiện thuận lợi này, 2 năm trở lại đây, anh đã “đào tạo” thêm khoảng 30 thanh niên trong làng tham gia phục vụ các đoàn khách. Từ việc nhận khách của công ty du lịch, nhóm của anh đảm nhận việc chuyên chở vào thác, phục vụ nấu ăn, dựng lều trại với tiền công 400 ngàn đồng/người/ngày, giúp nhiều người có thu nhập ổn định.

“Cõng” khách lên ngàn ảnh 4

Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) chuẩn bị chở khách vào thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Trầm ngâm bên bếp lửa hồng dã chiến cạnh chân thác, ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho hay: Đơn vị có 27 viên chức vừa làm công tác văn phòng, vừa làm công tác bảo vệ rừng. Đa số nhân viên nhà ở xa, công việc nhọc nhằn nhưng không có thêm khoản phụ cấp gì. Trong số này có 13 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo vệ và quản lý gần 16.000 ha rừng tự nhiên. Lực lượng mỏng, diện tích rừng lớn nên cả lãnh đạo cũng có tên trong tổ tuần tra quản lý rừng.

“Nhà xa, lương thấp, sau khi trừ tiền xăng xe đi lại, sửa xe, ăn uống thì chẳng còn gì. Chính vì vậy, chúng tôi tạo điều kiện cho những người ngoài ca trực tham gia cùng người dân trong làng phục vụ khách du lịch để có thêm thu nhập”-ông Ty nói.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết thêm: Cùng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chính là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Hiện đơn vị đã trình UBND tỉnh và chờ thẩm định Đề án phát triển du lịch sinh thái. Nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng mong muốn cùng với Khu Bảo tồn đầu tư phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái.

“Đây là hướng đi đúng đắn nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân Bahnar vùng đệm, giảm áp lực đến tài nguyên rừng; tăng kinh phí môi trường rừng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; quảng bá hình ảnh Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đến với du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, từ khoản tiết kiệm chi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hoàn thiện tuyến đường sình lầy để thuận tiện cho du khách vào tham quan thác 50”-ông Ty nhấn mạnh.

Giữa không gian rừng núi bao la, thác 50 được xem là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên. Để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị như cắm trại qua đêm ở nơi không sóng điện thoại, không wifi, rời xa thiết bị công nghệ và quay trở về với hoang sơ, những người “cõng” khách lên ngàn vô cùng chật vật. Khi thưởng thức âm thanh ì ầm của tiếng thác đổ, lặng ngắm dòng thác tuôn chảy, hãy biết ơn những người lặng lẽ bán sức vì cuộc mưu sinh.

Nguồn: “Cõng” khách lên ngàn

MINH NGUYỄN
baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Giữ xanh “quần đảo bão tố” - Bài cuối: Rác đại dương cập cảng đất liền

Giữ xanh “quần đảo bão tố” - Bài cuối: Rác đại dương cập cảng đất liền
Xác định bảo vệ môi trường biển không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn là một trong những nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, các đơn vị Vùng 2 Hải quân đã và đang nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường biển bằng nhiều việc làm thiết thực.

Ninh Bình: Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng thành phân hữu cơ tại xã Khánh Thành

Ninh Bình: Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng thành phân hữu cơ tại xã Khánh Thành
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học đa chức năng có khả năng phân hủy nhanh các chất hữu cơ, chịu nhiệt cao, an toàn với môi trường đang được triển khai tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình nhằm tận dụng rơm rạ để sử dụng làm phân bón.

Bão Yinxing “chen” vào giữa đường đi của bão Trami và Kong-rey

Bão Yinxing “chen” vào giữa đường đi của bão Trami và Kong-rey
Bão Yinxing đang ở phía Đông Philippines, vào chiều ngày 4/11, cơn bão này có sức gió 100 km/h (cấp 10), gây sóng cao nhất tới 8,2 mét, di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ.

Đà Nẵng: Mưa trắng trời, nhiều tuyến đường ngập sâu

Đà Nẵng: Mưa trắng trời, nhiều tuyến đường ngập sâu
Mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến đường, phố ở Đà Nẵng bị ngập khiến giao thông đi lại khó khăn.

Điểm tin ngân hàng ngày 5/11: Đề xuất quy định mới về sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng

Điểm tin ngân hàng ngày 5/11: Đề xuất quy định mới về sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng
Gần 10,8 triệu tỷ đồng đổ vào ngân hàng; Phó Tổng Giám đốc VIB đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu; Bà Trần Thu Huyền được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN; Ngân hàng An Bình ra mắt nền tảng ngân hàng số ABBANK Business… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.