Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc lễ tổng kết , ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, cho biết: Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng. Danh hiệu này công nhận các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, qua đó thúc đẩy thực hiện các giải pháp hài hoà giữa các hoạt động bảo tồn và phát triển.
Dự án BR triển khai năm 2019-2024, có sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hướng tới giải quyết 3 rào cản bao gồm: Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển thế giới; thể chế và năng lực quản lý của các Khu dự trữ sinh quyển thế giứi; nhận thức của các quan ban ngành và bên liên quan về các mối đe doạ do mất đa dạng sinh học, qua đó lồng ghép đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là chủ dự án, phối hợp với 3 cơ quan đồng thực hiện là Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Đồng Nai. |
Kể từ khi mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập vào năm 1976, đến nay, thế giới đã có 759 khu dự trữ sinh quyển, thuộc 136 quốc gia. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 300 triệu người dân trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, sau 24 năm tham gia Mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Các Khu dự trữ sinh quyển thế giới này đóng vai trò to lớn trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hoá và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và trên toàn đất nước.
Việt Nam có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. |
Để thúc đẩy hơn nữa nỗ lực hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ thiên nhiên, Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) đã được triển khai trong 5 năm, từ 2019-2024.
Nhận xét về kết quả 5 năm triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Tài cho biết dự án gặp không ít khó khăn do nhiều hoạt động trải rộng trên 3 địa bàn triển khai và có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp, các tổ chức và cư quan liên quan khiến việc phối hợp hành động ban đầu còn nhiều trở ngại.
Ngoài ra, các chính sách mới về quản lý nguồn vốn ODA, quy định về đấu thầu, thay đổi tổ chức và nhân sự ở cả cấp trung ương và 3 tỉnh, cũng như sự dùng phát đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai và hoạt động của dự án.
Dù vậy, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ TN&MT, Ban Chỉ đạo Dự án BR; sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giải ngân dự án đạt 95% Kế hoạch tổng thể đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Toàn cảnh Lễ tổng kế Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyền ở Việt Nam” |
Các kết quả này đã hỗ trợ, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách cho các hoạt động quản lý ở các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, qua đó giúp xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cần thiết để lồng ghép mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch và quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Tiếp lời ông Nguyễn Văn Tài, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện UNDP Việt Nam đánh giá: Dự án BR mang tham vọng táo bạo đó là hài hòa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển bền vững, qua đó chứng minh rằng thiên nhiên và con người có thể cùng nhau phát triển.
Cùng nhau, chúng ta đã hỗ trợ quản lý hiệu quả hơn 1,266 triệu ha hệ sinh thái quan trọng, phục hồi 4.005 ha rừng bị suy thoái và bảo vệ 62.940 ha rừng có giá trị bảo tồn cao.
Về bảo tồn loài, dự án cũng ghi nhận sự gia tăng quần thể của một số loài chính, chẳng hạn như rạn san hô ở Cù Lao Chàm - Hội An; Bò tót (Bos gaurus) và Vượn mào vàng ở Đồng Nai; và Vượn má trắng ở Tây Nghệ An.
Đồng thời, dự án cũng đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội cho con người, trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 3.125 hộ gia đình, tương đương hơn 11.500 thành viên cộng đồng, với 40% người tham gia là phụ nữ. Thông qua các sinh kế bền vững như du lịch sinh thái cộng đồng, sản xuất thực vật bản địa và chăn nuôi thân thiện với môi trường, thu nhập hộ gia đình đã tăng ít nhất 20%, tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và quản lý môi trường.
Xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức cũng là một phần không thể thiếu trong thành công của dự án. Hơn 4.200 cá nhân, trong đó có 44% là phụ nữ, được đào tạo về các hoạt động thân thiện với đa dạng sinh học, trang bị cho cộng đồng kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý tài nguyên bền vững.
Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ tích hợp Đánh giá tác động đa dạng sinh học (BIA) vào 100% các dự án phát triển mới tại ba khu dự trữ sinh quyển. Những tiến bộ này chứng minh sức mạnh của các phương pháp tiếp cận sáng tạo và toàn diện đối với bảo tồn. Đây là những con số biết nói, ghi dấu những kết quả nổi bật trong nỗ lực việc bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với cả thiên nhiên và phúc lợi của con người.
Nói thêm về cách làm đối với dự án BR, ông Patrick Haverman nhấn mạnh: Việc tích hợp các khoản tài trợ nhỏ cho cộng đồng trong dự án lớn hơn do GEF tài trợ đã chứng minh cách tiếp cận toàn diện có thể liên kết thành công các mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng. Đây là mô hình đặt nền tảng cho sự đổi mới trong tương lai trong quản lý khu dự trữ sinh quyển.
Đại diện các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam trình bày kết quả Dự án BR |
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các bên cũng đã lần lượt trình bày về kết quả dự án ở cấp quản lý và tại từng Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Đồng Nai.
Đánh giá chung về kết quả Dự án BR, bà Hoàng Thu Thuỷ, Cán bộ phân tích chương trình tại UNDP, cho biết, nhìn chung Dự án BR được đánh giá ở mức tương đối đạt. Trong đó, với tiêu chí tính bền vững, dự án được đánh giá cao khi đảm bảo được nguồn tài chính ở cấp vi mô, có sự tích hợp mục tiêu bảo tồn thiên nhiên nhiên và đa dạng sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội tại 3 địa phương triển khai và giúp phục hổi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.
Bà Hoàng Thu Thuỷ, Cán bộ phân tích chương trình tại UNDP, đánh giá kết quả triển khai dự án |
Một điểm sáng của dự án là sự điều phối hiệu quả giữa các bên, từ cấp trung ương tới 3 địa phương nằm 3 khu vực địa lý trải dài, có sự tham gia của tổ chức tại địa phương tài trợ, và trực tiếp là 3.500 hộ dân.
Trao đổi lễ buổi tổng kết, các chuyên gia đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 5 năm triển khai dự án, đồng thời kỳ vọng có thể mở rộng quy mô ra 11 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
Nguồn: Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội