Gia Lai: Đak Đoa đưa giống lúa mới vào sản xuất
Gia Lai: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ hệ thống tưới tiết kiệm nước Gia Lai: Giống chanh dây Đức Điền đồng hành cùng nông dân |
Năm 2021, huyện Đak Đoa bắt đầu triển khai phương án xây dựng cánh đồng lúa một giống chất lượng cao có tổng diện tích 900 ha với sự tham gia của 2.390 hộ dân ở 4 xã: Glar, Hà Bầu, Ia Pết và Hnol. Tổng kinh phí thực hiện phương án là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp huyện. Người dân tham gia được hỗ trợ giống lúa HN6, ĐT100 với định mức 100 kg/ha và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân đạt 5,5-6 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt trên 8 tấn/ha.
Người dân xã Glar thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: L.N |
Ông Chứp (làng Dôr 2, xã Glar) cho biết: “Khi huyện triển khai cánh đồng lúa một giống chất lượng cao, gia đình tôi được hỗ trợ 40 kg giống lúa ĐT100 để gieo sạ 4 sào. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân hợp lý nên lúa phát triển tốt, năng suất đạt trên 7 tạ/sào, cao gấp đôi so với giống lúa cũ. Ngoài ra, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chất lượng gạo dẻo và thơm ngon hơn”.
Ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho hay: Hàng năm, người dân trên địa bàn xã canh tác hơn 800 ha lúa nước (vụ Đông Xuân 189 ha, vụ mùa 620 ha). Tuy nhiên, người dân thường sử dụng giống cũ từ những vụ trước để lại dẫn đến giống bị thoái hóa, thời vụ gieo sạ không tập trung, chế độ chăm sóc chưa bài bản nên năng suất thường chỉ đạt 3-4 tấn/ha.
“Từ năm 2021, người dân trong xã được huyện hỗ trợ giống lúa chất lượng cao HN6 và ĐT100 để gieo trồng theo mô hình cánh đồng một giống. Nhờ có giống mới, lại được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất lúa đạt hơn 6 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với giống cũ. Thấy hiệu quả mang lại cao, người dân đã chủ động đến các cửa hàng, đại lý mua những giống lúa này về gieo trồng”-Phó Chủ tịch UBND xã Glar thông tin thêm.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2022, huyện Đak Đoa tiếp tục nhân rộng cánh đồng lúa một giống chất lượng cao tại các xã: Ia Băng, Đak Sơ Mei, Hneng và Kdang với diện tích 628 ha. Các giống lúa được sử dụng là HN6, ĐT100 và J02. Tổng kinh phí thực hiện là 2,8 tỷ đồng. Năm 2023, huyện tiếp tục bố trí hơn 2,9 tỷ đồng để nhân rộng mô hình với diện tích 779 ha của 2.626 hộ dân ở các xã: A Dơk, Hnol, Đak Krong, Kon Gang và xã Trang. Bà Nguyễn Kiều Huê-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Kdang-cho hay: Người dân được hỗ trợ giống mới chất lượng cao, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên năng suất lúa đã tăng đáng kể. Đặc biệt, các loại giống lúa mới, nhất là giống J02 có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản vừa cho năng suất cao, vừa có chất lượng gạo thơm ngon nên được người dân rất ưa chuộng.
Người dân xã Kdang thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023 với giống HN6. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hàng năm, người dân trong huyện canh tác khoảng 6.500 ha lúa nước (vụ Đông Xuân khoảng 2.000 ha và vụ mùa khoảng 4.500 ha). Từ năm 2021 đến nay, Phòng phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã và Công ty cổ phần Giống cây trồng-vật nuôi Thừa Thiên-Huế hỗ trợ các giống lúa J02, HN6, ĐT100 cho bà con nông dân. Giống lúa J02 và ĐT100 có thời gian sinh trưởng 110-115 ngày, bằng với thời gian sinh trưởng của các loại giống khác hiện có ở địa phương. Còn giống lúa HN6 có thời gian sinh trưởng 100-110 ngày. Vì vậy, các giống lúa này được ưu tiên sản xuất vụ Đông Xuân nhằm tránh hạn cuối vụ trên những cánh đồng không ổn định về nguồn nước tưới. Kết quả gieo trồng cho thấy, năng suất trung bình giống J02 đạt 5,5-5,7 tấn/ha, giống ĐT100 đạt 5,7-6 tấn/ha, giống HN6 đạt 5,2-5,5 tấn/ha, cao hơn so với giống chủ lực HT1 đang canh tác trên địa phương khoảng 5-7 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình của toàn huyện 7-10 tạ/ha.
“Phương án xây dựng cánh đồng lúa một giống chất lượng cao đã góp phần định hướng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác, hướng đến thâm canh những giống lúa mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các xã cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, vận động người dân sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo; tổ chức nhân rộng cánh đồng lúa một giống chất lượng cao trong các vụ tiếp theo. Khi có sản lượng lúa đạt chuẩn, ổn định, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện định hướng chọn 1-2 hợp tác xã tổ chức liên kết, kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo Đak Đoa”-ông Hùng thông tin thêm.
Nguồn: Đak Đoa đưa giống lúa mới vào sản xuất