Gia Lai: Gỡ khó để phát triển bền vững ngành du lịch
Gia Lai: Cấp phép khai quật di tích An Phú Gia Lai: Nâng tầm sản vật địa phương |
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh; lãnh đạo UBND, phòng Văn hóa-Thông tin một số huyện, thị xã, thành phố; đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du lịch trên đà tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Ngành du lịch trong 8 tháng qua có sự tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách lẫn doanh thu so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách tham quan, du lịch đến Gia Lai trong 8 tháng năm 2023 đạt 765 ngàn lượt, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế ước đạt 5,1 ngàn lượt, khách nội địa ước đạt 759,9 ngàn lượt. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 502 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách, doanh thu 700 tỷ đồng trong năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch định hướng thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (diễn ra từ ngày 8 đến 14-11); Giải chạy “Gia Lai City Trail 2023” với chủ đề “Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa du lịch TP. Pleiku (từ ngày 17 đến 19-11); chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra tối thứ bảy hàng tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku); chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” vào sáng chủ nhật hàng tuần (bắt đầu từ tháng 9) tại khuôn viên phía trước Bảo tàng tỉnh.
Ngoài ra, dự kiến sẽ có các hoạt động như: Festival Cồng chiêng tỉnh Gia Lai mở rộng năm 2023 (ngày 13 và 14-11); Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm đặc trưng năm 2023 (từ ngày 15 đến 19-11) với quy mô 200-250 gian hàng tiêu chuẩn.
Về đầu tư công trên lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2025, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Toàn tỉnh hiện có 9 dự án đang triển khai, trong đó, 3 dự án đã hoàn thành gồm: hạ tầng Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành du lịch; hạ tầng du lịch tỉnh Gia Lai.
Gỡ khó cho du lịch
Bên cạnh những kết quả mà ngành du lịch đạt được trong 8 tháng qua, cuộc họp ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cùng đề xuất tháo gỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: Cần rà soát lại các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch đang triển khai gặp vướng mắc để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, tỉnh cần lựa chọn các mô hình du lịch có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư có chiều sâu, tránh dàn trải.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ farmstay Sâm Phát Ia Ly (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đề xuất tỉnh cần có các cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đất đai để thu hút đầu tư. Đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư kinh doanh dịch vụ, du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Đối với các mô hình du lịch cộng đồng, anh Đinh Angưi-Chủ homestay Angưi Kbang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cho rằng: “Văn hóa là thế mạnh của vùng đất Kbang để phát triển du lịch cộng đồng. Muốn phát triển loại hình này, phải giúp người dân nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho dân làng đi học hỏi kinh nghiệm, cách làm du lịch từ các địa phương khác. Đặc biệt, khi quy hoạch các làng du lịch cộng đồng, cần tôn trọng các yếu tố văn hóa từ kiến trúc, không gian làng… không được bê tông hóa, làm phá vỡ cảnh quan vì sẽ đánh mất cảm xúc của du khách”.
Đại diện mô hình du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), chị H’Uyên Niê cho biết, điều đáng mừng nhất là buôn làng phát triển nhanh nhưng người dân vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa. Toàn xã có gần 200 nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát và đã thành lập được các câu lạc bộ đặc thù phục vụ sự trải nghiệm của khách du lịch và bán sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề quảng bá, thu hút khách du lịch. Người dân chưa có kỹ năng làm du lịch, nhất là kiến thức tài chính để quản lý hoạt động thu, chi khi có khách đến làng. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, có chương trình tập huấn, bày cách cho người dân làm du lịch”-chị H’Uyên Niê đề xuất.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Phát triển du lịch là con đường dài, cần sự bền bỉ gắn với đảm bảo tính bền vững, cần tinh thần trách nhiệm rất lớn của các ngành, địa phương và sự chung tay của người dân. Đối với Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, cần rà soát lại để kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả gắn với trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án đầu tư công để báo cáo lại theo đúng tinh thần dự án cần đảm bảo đồng bộ, có quy hoạch cụ thể, khả thi mới kêu gọi đầu tư. Đối với dự án tại các địa phương vướng cái gì, khó ở đâu cần đề xuất ngay để tìm hướng tháo gỡ.
Về định hướng phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần có sự liên kết phát triển theo cụm. Bởi lẽ, không địa phương nào có thể đơn phương phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các huyện: Kbang, Ia Grai, Chư Păh… đã có nhiều hoạt động để phát triển du lịch và cần tiếp tục phát huy. Đồng thời, giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ để các sự kiện văn hóa, lễ hội đi vào chiều sâu, có bản sắc, ngày càng chuyên nghiệp hơn; nghiên cứu đề xuất nâng cấp quy mô cấp tỉnh đối với lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya và lễ hội Tây Sơn Thượng đạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, muốn làm du lịch phải có bản sắc riêng. Do đó, ngành Văn hóa cần lưu ý hướng dẫn cho bà con gìn giữ bản sắc văn hóa từ trang phục truyền thống đến nếp nhà, tránh lai căng. Sở Công thương cần tham mưu giải pháp hỗ trợ quảng bá, tạo thuận lợi để sản phẩm của người dân đến được với người tiêu dùng, nhất là khách du lịch. Về phát triển du lịch cộng đồng, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn cụ thể cho bà con.
“Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp là cách làm bền vững, có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, qua đó bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa, mang lại sinh kế cho người dân. Do đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành nghiên cứu, tham khảo các địa phương, quy định pháp luật, xây dựng chính sách cho tỉnh để phát triển du lịch cộng đồng”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Nguồn: Gỡ khó để phát triển bền vững ngành du lịch