Gia Lai: Khi phụ nữ đan gùi
Gia Lai: Trọn thanh xuân với miền biên ải Gia Lai: Không để hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết |
Đàn ông đan lát, phụ nữ dệt vải là phong tục ngàn đời của người Bahnar, Jrai. Thế rồi với xu hướng phát triển, tháng 3-2023, chị em phụ nữ làng Nglơm Thung ra mắt tổ đan lát với 20 thành viên, đánh dấu mô hình đầu tiên và duy nhất của tỉnh cho đến thời điểm hiện tại có nữ giới đan gùi.
Những đôi tay mềm mại của chị em thoăn thoắt chuốt từng thanh nan, khéo léo đan từng những chiếc gùi đủ kích cỡ, trang trí đẹp mắt không còn là sự lạ với cộng đồng Jrai ở đây.
Chị Lưu Quỳnh Giang-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Đoa-cho biết: “Mô hình này đánh dấu sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp họ tìm kiếm các mô hình sinh kế phù hợp để nâng cao thu nhập.
Từ khi thành lập đến nay, các sản phẩm của chị em làng Nglơm Thung được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện hỗ trợ kết nối và tiêu thụ ổn định. Bản thân các chị cũng có kênh riêng để tiêu thụ sản phẩm.
Nghề đan gùi không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn khuyến khích nhiều chị em phụ nữ khác tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống”.
Tổ đan lát của chị em phụ nữ làng Nglơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: M.C |
Nglơm Thung là ngôi làng nổi tiếng với nghề đan gùi. Nhiều chị em khi lấn sân sang nghề này đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, nhất là người chồng cùng những góp ý của các nghệ nhân, thợ giỏi nghề. Do đó, sản phẩm từ chỗ hoàn thiện với những yêu cầu cơ bản nhất đã không ngừng được nâng cao về kỹ thuật và chất lượng.
Nhiều chị em còn thử sức với kỹ thuật khó hơn là tạo hoa văn trên gùi từ kỹ thuật đan luân phiên mặt trái và phải của thanh nan vót nhẵn, đan gùi thưa, gùi dày để phù hợp với công năng sử dụng khác nhau trong đời sống.
Say sưa bên chiếc gùi đang dần hoàn thiện với mặt nan dày dặn, đều tăm tắp, chị Ly Da-Thành viên tổ đan lát-hứng khởi chia sẻ: “Chồng mình đan gùi rất giỏi. Mình thường quan sát chồng đan rồi học hỏi làm theo. Lúc đầu, mình chỉ giúp chồng hoàn thiện các chi tiết cho chiếc gùi nhưng sau đó mày mò tự tay đan được 1 chiếc gùi hoàn chỉnh.
Tham gia tổ đan lát của làng, sản phẩm mình làm ra tới đâu bán hết tới đó nên có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt gia đình và lo cho con học hành”.
Còn chị Plem-Thành viên tổ đan lát cũng cho biết, chị được chồng truyền nghề và tranh thủ đan gùi khi rảnh rỗi. “Vợ chồng cùng ngồi đan gùi trong lúc nhàn rỗi, góp ý làm sao để sản phẩm càng đẹp, càng bền. Lâu dần mình càng thích công việc này, có hôm ngồi đan quên cả thời gian”-chị Plem nói.
Những chiếc gùi làm từ nguyên liệu là tre, lồ ô, dây mây lấy từ rừng. Tùy vào kích thước, mẫu mã, mỗi chiếc gùi có giá 100-500 ngàn đồng. Hầu như sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết. Điều này tạo động lực để chị em trong làng tham gia đan gùi.
Chị Plem cho hay: “Vợ chồng mình đan liên tục 1 ngày được 3 gùi nhỏ, bán 200 ngàn đồng/chiếc. Họ tới tận nhà mua chứ không cần phải mang đi bán”.
Trao đổi cùng P.V, bà Thal-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Pết-thông tin: Thời điểm đơn hàng nhiều chị em phải đan liên tục, cả vào ban đêm mới đủ gùi giao cho khách.
Hiện nay, gùi làng Nglơm Thung không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà một số người còn đặt hàng để đưa đi nước ngoài. Điều này khiến chị em rất mừng, yên tâm gắn bó và phát triển nghề truyền thống.