Gia Lai: Mở rộng giao thương để sản phẩm OCOP vươn xa
Gia Lai: “Hộ chiếu” cho nông sản xuất ngoại Gia Lai: Người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên đất khó Ayun |
Gia Lai nổi tiếng với các sản phẩm mang nét đặc trưng của tỉnh miền núi, như: cà phê, tiêu, hạt điều, hạt mắc ca, bò một nắng, mật ong… thì sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi lại mang nét đặc trưng của miền biển với nước mắm, chả cá, mực, tỏi, muối, yến sào…
Các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh đều dựa trên tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vì vậy khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường rất lớn.
Tại Hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương một số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai được tổ chức vừa qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh khi có nhiều chủ thể đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với thương nhân Quảng Ngãi và Gia Lai với khoảng 50 sản phẩm OCOP. Đây là bước khởi đầu để các chủ thể tiếp tục tìm hiểu và tiến đến hợp tác trong thời gian đến.
Ông Thành Tín-đại diện Công ty TNHH một thành viên Kita (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Với đặc điểm về thời tiết, dòng hải lưu nên chất lượng hải sản ở Khu vực miền Trung được đánh giá ngon hơn so với các vùng khác. Từ nguồn tài nguyên sẵn có, chúng tôi đã sản xuất ra các sản phẩm chả mực, chả cá và đã tạo dựng thương hiệu trên thị trường. Hiện tại, năng lực sản xuất của công ty khoảng 1 tấn sản phẩm/ngày. Tôi hy vọng với nét đặc trưng riêng của sản phẩm sẽ được các đơn vị phân phối, đại lý quan tâm và làm nền móng cho sự khởi động phát triển thị trường ở Gia Lai”.
Tỉnh Gia Lai đã có 352 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao và 303 sản phẩm đạt 3 sao. Ảnh: V.T |
Còn ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (tỉnh Gia Lai), bày tỏ: “Qua các lần tham gia hội chợ, triển lãm, giao thương hàng hóa tại nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ngãi, tôi nhận thấy người tiêu dùng ở đây rất quan tâm đến sản phẩm dược liệu của hợp tác xã. Song, việc tìm kiếm đại lý phân phối sản phẩm vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, qua hội thảo xúc tiến thương mại và kết nối giao thương này, tôi mong muốn nhận được sự quan tâm tìm hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp phân phối đến từ Quảng Ngãi”.
Với các nhà phân phối, trong chiến lược phát triển thị trường cũng đặt mục tiêu kết nối sản phẩm vùng miền để đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Trong-Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai-GAUC cho biết: “Thành viên Hợp tác xã sản xuất rất nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, măng le sấy khô, tiêu, bò khô, mắc ca, hạt điều… Hợp tác xã cũng có cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku) để trưng bày và bán các sản phẩm này. Qua tìm hiểu, tôi thấy các sản phẩm chế biến từ hải sản của Quảng Ngãi, như: cá tẩm, mực tẩm, chả cá, muối biển, yến sào, nước mắm, bột quế có chất lượng tốt, thích hợp để cửa hàng liên kết với các chủ thể để giới thiệu, quảng bá tại đây”.
Các nhà phân phối sản phẩm OCOP Gia Lai tìm hiểu sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi. Ảnh: V.T |
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, tỉnh Gia Lai đã có 49 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 303 sản phẩm đạt 3 sao, với 176 chủ thể OCOP, gồm 35 doanh nghiệp, 47 hợp tác xã, 94 cơ sở và hộ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Gia Lai có 4 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, gồm: Bộ sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình Gia Lai và 3 sản phẩm Đường An Khê (Đường vàng, Đường kính trắng, Đường tinh luyện).
Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai-cho biết: Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của từng vùng miền, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng.
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm được đánh giá, phân hạng chủ yếu vẫn là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển sản phẩm tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển mạnh các sản phẩm chế biến sâu. Việc tìm kiếm đầu ra, nhất là sản phẩm tại khu vực nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP, Sở sẽ cùng với các ngành chức năng hỗ trợ các sản phẩm được công nhận, phân hạng OCOP được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp phân phối của Gia Lai và Quảng Ngãi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: V.T |
Theo ông Nguyễn Đức Bình-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương. Tính đến tháng 11-2023, tỉnh Quảng Ngãi đã có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 157 sản phẩm 3 sao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng được 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó Nhà nước hỗ trợ 6 điểm, 5 điểm xã hội hóa 100%. Riêng với hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua, Quảng Ngãi đã tổ chức giới thiệu, trưng bày các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng ở thị trường trong nước và khu vực. Hy vọng nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương sẽ có tiềm năng xúc tiến thương mại vào các kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ ổn định tại tỉnh Gia Lai.
Việc liên kết dựa trên tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP mở ra kỳ vọng kết nối cung cầu sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của 2 địa phương liên kết kinh doanh, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ổn định.
Nguồn: Mở rộng giao thương để sản phẩm OCOP vươn xa