Gia Lai: Người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên đất khó Ayun
Gia Lai: Kbang tạo đột phá trong công tác trồng rừng Gia Lai: Về miền huyền tích Cánh đồng Cô Hầu |
Từ khi công trình thủy lợi Plei Keo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phần nào giải được cơn khát cho vùng đất khô cằn Ayun. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt nên việc trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.
Ông Blí cho biết: “Không những khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, đất đai cũng khá cằn cỗi. Ngoài cây lúa nước, người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: mì, bắp, đậu các loại… nhưng năng suất, hiệu quả không cao. Chính vì vậy, Ayun vẫn là xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao dù những năm qua được các cấp quan tâm đầu tư rất lớn”.
Từ những trăn trở trên, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phó Bí thư Đảng ủy xã Siu Blí cũng không ngừng tìm hiểu để xác định cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương cũng như điều kiện canh tác của người dân.
Sau nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây khác nhau, năm 2019, ông tiến hành trồng khoảng 2.800 cây gỗ gáo vàng trên diện tích 3 ha tại làng A Chông. Đến nay, ông đã mở rộng lên gần 6 ha.
Ông Blí chia sẻ: “Lúc mới trồng, nhiều người trong làng, cả người thân trong gia đình bảo tôi khùng, trồng cây này biết khi nào thu hoạch, lấy gì ăn? Tuy nhiên, với quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tôi vẫn quyết tâm trồng.
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, tôi sử dụng nước từ công trình thủy lợi Plei Keo để tưới; đồng thời, trồng xen thêm mì, bắp, đậu các loại… để “lấy ngắn nuôi dài” trong 2 năm đầu.
Cây gáo vàng rất dễ trồng, chịu hạn tốt, sau 1 năm đã phát triển tốt, không cần tưới, bón phân, chỉ cần cắt tỉa cành và phát cỏ để phòng-chống cháy rừng”.
Ông Siu Blí phát cỏ, cắt tỉa cành để cây phát triển tốt hơn, cho sản lượng gỗ cao hơn. Ảnh: Q.T |
Sau hơn 4 năm xuống giống, cây gáo vàng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Ayun. Đối với diện tích trồng năm 2019, cây đã lên cao 10-15 m, đường kính gốc 15-20 cm. Dự kiến, sau 3-4 năm nữa, bình quân mỗi cây gáo sẽ thu được hơn 1 m3 gỗ.
Với giá bán hiện nay dao động 1,5-2 triệu đồng/m³ gỗ gáo vàng, gia đình ông Blí sẽ có một khoản thu nhập tương đối lớn. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng nuôi 20 con bò, 4 con trâu và đàn gà để tăng thêm thu nhập.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun cho hay: “Hiện nay, diện tích đất người dân bỏ hoang hoặc canh tác không hiệu quả rất lớn, lên đến trên 100 ha. Do đó, tôi tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã liên kết để mở rộng diện tích trồng gáo vàng.
Tôi sẵn sàng đầu tư cây giống, các hộ dân chỉ việc trồng và chăm sóc; đồng thời, tiến hành trồng xen cây dược liệu (đinh lăng) nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Nếu toàn bộ diện tích bỏ hoang trong xã được người dân tận dụng thì sẽ hình thành vùng trồng rừng gỗ lớn. Không những mang lại lợi ích kinh tế và tạo việc làm, việc trồng rừng còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Vườn cây gáo vàng của gia đình ông Siu Blí (bìa phải) sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Q.T |
Trao đổi với P.V, ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-thông tin: Mô hình trồng rừng gỗ lớn ngoài quy hoạch 3 loại rừng của ông Siu Blí rất có ý nghĩa, nhất là tại vùng đất khó Ayun.
Đây sẽ là địa điểm để các địa phương trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm, từ đó đẩy mạnh vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa giúp phát triển lâm nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu…
“Thời gian tới, Hạt tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả kinh tế, môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn cho người dân.
Đồng thời, tham mưu UBND huyện tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất gắn với chế biến lâm sản; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm không ngừng phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Hải cho biết.
Nguồn: Người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên đất khó Ayun