Gia Lai: Nhớ lần lấy mật ong rừng
Gia Lai: “Điểm tựa” của nông dân Glar Gia Lai: Nơi từng có trên 300 tỷ phú nông dân |
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi thường về công tác tại xã Sơn Lang, huyện Kbang. Một lần, tôi theo người anh kết nghĩa đi lấy mật ong rừng. Đó là một buổi sáng, khi mặt trời vừa hửng trên ngọn núi, sương đêm còn đọng giọt trên cành cây. Anh Đinh Mah đã chuẩn bị sẵn gùi, dây thừng, tấm ni lông, búa, đinh và cây sáp ong bằng ngón tay dài chừng vài gang tay. Đoàn chúng tôi gồm 4 người. Con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua nương rẫy đến khu rừng già. Anh Mah đi trước dẫn đường, vừa đi vừa kể chuyện. Theo anh Mah, khi thấy cây rừng nào có tổ ong, chỉ cần vạt mảnh vỏ của thân cây rồi gắn vào đó một đoạn cây ngang hình dấu cộng là người khác biết, sẽ không xâm phạm.
Ảnh minh họa: Thiên Di |
Đi khoảng vài giờ, trước mắt tôi là một cây lớn tầm vài người ôm, cao thẳng đứng, xòe tán sum suê, 1 cành chìa ra, treo thõng xuống 1 tổ ong lớn chừng 2 chiếc chiếu trải. Ong bám dày bao quanh tổ. Anh Mah chậm rãi lấy tấm ni lông lót vào 2 chiếc gùi rồi dạo quanh đó cắt lá lau khô làm đuốc. Khi bó tròn cây đuốc, anh lấy cây sáp ong bỏ vào giữa và cột chặt lại, cắm cán đuốc bằng một đoạn cây le khoảng vài mét.
Một lát sau, chừng mười đoạn tre già to bằng cổ tay, chừa cành chìa ra khoảng gang rưỡi tay đã được để gần đó. Sau đó, anh Mah bắt đầu đóng đinh vào những đoạn tre dính vào thân cây lớn như một chiếc thang và từng bước leo lên cây. Đóng hết cây, vợ anh lại cột cây khác vào sợi dây thừng buộc một đầu vào cổ chân anh để kéo lên. Cứ như vậy, anh leo dần đến chạc ba của cây lớn thì ngồi lại. Vợ anh châm lửa cây đuốc cột vào dây ra hiệu anh kéo lên. Anh đưa cây đuốc vào hướng đầu gió, quơ qua quơ lại về phía đàn ong. Đến khi cây đuốc vừa tàn thì đàn ong cũng bay hết để lộ chiếc tổ ong rỉ mật vàng ươm.
Hai chiếc gùi và dao cắt bánh mật bằng gỗ cũng được anh Mah kéo lên cột chặt vào nhánh cây dưới đáy tổ ong. Anh nằm dọc thân cây, chìa dao ra cắt. Phần dưới đáy tổ là sáp và ong non, phần trên sát với thân cây là mật. Anh chọn cắt phần ong non ra nhiều bánh để rơi tự do xuống đất. Đến phần cắt bánh mật, anh thận trọng treo chiếc gùi hứng gần bánh, khi cắt sẽ rơi đúng vào miệng gùi, cắt tới đâu anh di chuyển gùi đến đó. Khi đầy gùi, anh tháo dây buộc và thả từ từ xuống đất. Cuối cùng tổ ong được anh lấy hết và anh cũng xuống đất một cách nhẹ nhàng qua những nấc thang mắt tre.
Trời gần trưa nhưng dưới tán cây rừng vẫn mát rười rượi. Anh chị và đứa con xới cơm ra lá để ăn, còn tôi chỉ muốn thưởng thức món mật ong. Anh biết ý bèn bẻ một miếng có nhiều ong non và một miếng có nhiều mật đặt lên chiếc lá rừng to rồi giục: “Em ăn đi, ngon lắm đó!”. Tôi háo hức cắn ngay bánh mật, vị ngọt thanh lan tỏa.
Mặt trời nghiêng về hướng Tây. Chúng tôi trở lại nhà, vợ chồng anh Mah bắt đầu vắt mật. Dụng cụ là tấm vải mùng và chiếc nồi đồng lớn để hứng. Phần mật anh đựng vào ghè lớn, ước chừng vài chục lít, phần sữa ong non và phấn hoa anh đựng vào chai. Sáp vắt xong được bỏ vào nồi nấu, gạn bỏ xác, lược lại bằng tấm vải rồi đổ vào các chén đồng để dành lăn thành chiếc đèn sáp.
Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi lại ao ước mình có thêm một lần cùng gia đình anh Mah vào rừng để được thưởng thức hương vị của thiên nhiên rừng núi.
Nguồn: Nhớ lần lấy mật ong rừng