Gia Lai: Thông xanh Phố núi
Gia Lai nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh Gia Lai: Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa năm 2023” |
Lại nhớ ngày mới đặt chân đến Pleiku, cái thị xã nhỏ trên cao nguyên đầy bóng thông xanh bảng lảng trong màn sương sớm-chiều, tôi vô cùng thích thú và ngày nào cũng thả bộ trên những con dốc dài để nhặt những quả thông rơi. Về sau, các bạn học của tôi, khi rời xa “phố núi cao, phố núi đầy sương” cũng luôn mang theo hình bóng những cây thông già.
Khoảng thông xanh mát trong Khu du lịch sinh thái Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyên Võ |
Ban đầu, nhìn những hàng thông trong lòng phố, tôi nghĩ rằng, có lẽ do người Pháp trồng, vì ước chừng những cây thông già đó có tuổi hàng trăm năm. Nhưng khi đọc qua một số tài liệu cũ mà thời bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) khám phá ra cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên) vào cuối thế kỷ XIX thì mới biết vùng Tây Nguyên đã có loài thực vật lá kim xanh quanh năm (1 chi thuộc họ thông) tồn tại qua hàng ngàn năm. Các nhà thực vật học phương Tây qua khảo sát ở vùng núi Việt Nam xác định có 6 loài thông bản địa thì ở Tây Nguyên đã có 5 loài, riêng cao nguyên Lâm Viên có 2 loại thông đặc hữu, đó là thông năm lá và thông hai lá dẹt (còn gọi thông nhựa hay thông ta).
Hiện nay, ở nội thành Pleiku, tôi ước tính chỉ còn lại vài chục cây thông già nằm trên các trục đường như: Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hoàng Hoa Thám… Bên cạnh đó, có một vài cây thông già lặng lẽ đứng một mình trong khuôn viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trên đường Sư Vạn Hạnh. Tại một số hoa viên, tuyến đường mới của thành phố hay trong Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng… người ta cũng đã trồng thông ba lá đang phát triển tốt, tạo nên những khoảnh rừng màu xanh, mang vẻ đặc trưng của Phố núi.
Đặc biệt, ở vùng ven và ngoại ô Pleiku hiện nay đang tồn tại những khoảnh rừng thông trên dưới 50 tuổi chủ yếu được trồng sau ngày thống nhất đất nước 1975. Trong đó, cụm rừng thông hàng chục héc ta vây quanh khu du lịch sinh thái Biển Hồ nằm phía Bắc thành phố với những hàng thông thẳng đứng như sóng đũa tạo nên một hàng rào tự nhiên xanh thẳm bảo vệ cho hồ nước phẳng lặng, trong veo. Ở phía Nam là những khoảnh rừng thông cả trăm héc ta, gồm đồi thông Diên Phú nằm trên đường Trường Sa, đồi thông vùng Ia Kênh, cụm rừng thông phía núi Hàm Rồng và vùng thông ở xã Gào.
Đây được xem là lá phổi xanh, thanh lọc không khí đem lại sự trong lành cho TP. Pleiku. Vào những dịp lễ, Tết hay nghỉ hè, nhiều thanh niên, học sinh đến đây cắm trại, picnic dưới tán rừng thông đầy thú vị, được hít thở không khí mát lành. Nhiều bạn trẻ cho rằng, được chiêm nghiệm trên những đồi thông xanh, đặc biệt là những đồi thông bên các thung lũng của cao nguyên Pleiku thật không gì thú vị bằng.
Ở vùng giáp ranh phía Tây đô thị, giữa phường Diên Hồng-Yên Đỗ (TP. Pleiku) và xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) có một cụm rừng thông khoảng gần 50 ha. Có thể xem đây là khu sinh thái trong lõi đô thị góp phần điều tiết khí hậu, tạo ra môi trường tự nhiên tốt cho thành phố. Như vậy, có thể nói, gần như quanh TP. Pleiku đều có những khoảnh rừng thông xanh bao bọc. Tuy không dày đặc như những đồi thông ở TP. Đà Lạt nhưng đủ để thể hiện vóc dáng của một cao nguyên xanh.
Ngoài lợi ích kinh tế và cải tạo môi trường tự nhiên, các nhà y học phương Đông còn tìm thấy một số dược liệu quý từ cây thông. Một số thầy thuốc Đông y khuyên những bệnh nhân bị hen suyễn hay bị viêm đường hô hấp nên thường xuyên đi bộ dưới rừng thông sẽ cảm thấy dễ chịu, khoan khoái hơn vì hợp chất hữu cơ tecpen trong nhựa thông phát tán ra môi trường có mùi thơm đặc trưng giúp cho đường thở nhẹ nhàng hơn.
Một nghiên cứu y khoa năm 2017 phát hiện chất limonene trong quả thông có thể tiêu diệt tế bào ung thư phổi. Còn giới y học cổ truyền Trung Quốc thì cho rằng chất a-pinene trong tinh dầu thông được sử dụng như một chất chống ung thư ở con người.
Để TP. Pleiku xanh, đẹp và có ích hơn cho môi trường và sức khỏe, thiển nghĩ, chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường bảo vệ những diện tích cây thông đã và đang phát triển; đánh dấu và làm lý lịch, chăm sóc những cây thông cổ thụ trong nội thành. Tận dụng những diện tích còn lại ở ngoại ô, các công viên, hoa viên trong và ngoài đô thị tiếp tục trồng các loài thông bản địa của Tây Nguyên. Những cây thông trên các đường phố, ở các hoa viên không phát triển hoặc bị chết thì cần được trồng lại và chăm sóc tốt hơn.
Hy vọng trong vài thập kỷ tới, bóng thông xanh sẽ bao trùm lên thành phố thân yêu của chúng ta với mật độ ngày một dày hơn.