Gia Lai thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics
Khai thác tiềm năng, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng logistics |
Tỉnh Gia Lai có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý sẵn có, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến được tỉnh quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay tỉnh có 03 khu công nghiệp chính là Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu công nghiệp - Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng điện tích 1.245,33 ha; trong đó có 13 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53 ha. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía đường, sắn, chè, trái cây...tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh có trên 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến.
Vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đức Cơ, Gia Lai. Ảnh: VY. |
Sở Công Thương Gia Lai cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân ước đạt 3,97%; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân ước đạt 11,98%; tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 5,45% và tăng trưởng nhập khẩu bình quân ước đạt 6,92%. Đặc biệt, tăng trưởng thương mại, dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt mức cao 14,33%.
Một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Về hạ tầng giao thông, điểm thuận lợi là tỉnh đã có Cảng hàng không Pleiku cách trung tâm thành phố Pleiku 5 km, đạt quy mô sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO; công suất phục vụ hành khách 600.000 HK/năm, đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321, Boeing 737. Bên cạnh đó, tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515 ha.
Thời gian tới nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai rất lớn. Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, khó khăn. Năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/O Ya Dao thông qua Quốc lộ 19 còn hạn chế; chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD).
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xác định phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030 nhằm góp phần xây dựng, phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh, làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; Cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. |
Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics năm 2024. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn để phổ biến các cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ logistics; các biện pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics; các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics; các biện pháp hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước (hoặc quốc tế) đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu của tỉnh.
Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch, cụ thể các dự án phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các cảng cạn, Trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên, Trung tâm dịch vụ logistics nông sản trên địa tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của tỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; xử lý nghiêm minh và kịp thời các vi phạm theo đúng quy định pháp luật để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.
Việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh các vấn đề liên quan về hoạt động logistics; xây dựng và phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Nguồn:Gia Lai thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics