Gia Lai: Tôn vinh “những ngọn đèn, những ngôi sao sáng”
Gia Lai: Ngôi nhà thu gom rác thải và những câu chuyện ấm tình người Gia Lai: Nghệ nhân trăm tuổi |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh.
Thi đua là động lực phát triển
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long khẳng định: Hội nghị là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh; là nơi hội tụ, tôn vinh các chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu-những bông hoa tươi thắm trong các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên trao Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước cho Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Ảnh: Lam Nguyên |
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, tỉnh Gia Lai đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, quy mô và chất lượng của nền kinh tế phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 đạt 8,43%, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 60,45 triệu đồng.
Hiện 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã được nhựa hóa; có hệ thống thông tin thông suốt. Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 58,8% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,06% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025); 93% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các hoạt động văn hóa-thông tin-thể thao được quan tâm, đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và góp phần nâng cao dân trí.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long trao cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Lam Nguyên |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Bằng tất cả sự trân trọng và tình cảm chân thành, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn đối với những tấm gương, nỗ lực và cống hiến vô cùng quý báu của tập thể, cá nhân đã được vinh danh qua các danh hiệu, phần thưởng cao quý; các điển hình có mặt ở đây ngày hôm nay và cả những người chưa nhận được danh hiệu thi đua, người không có mặt ở đây. Tôi cũng tin tưởng sâu sắc rằng, những tấm gương cao đẹp như các bông hoa làm cho vườn hoa của cả dân tộc ta thêm rực rỡ. Đó là những ngọn đèn, những ngôi sao sáng để soi sáng cho nhiều người chưa cố gắng lao động, lập nghiệp và cống hiến cho cộng đồng sẽ cố gắng; người đã cố gắng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”.
Những tấm gương truyền cảm hứng
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giao lưu với 6 gương cá nhân điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực gồm: vận động viên vừa giành huy chương vàng SEA Games 32 Lê Thị Nhi; bác sĩ chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), người luôn hết lòng vì bệnh nhân; thầy giáo Vũ Văn Tùng-người sáng lập “Tủ bánh mì 0 đồng” để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa); chị Đào Thị Thu Hà-công nhân có nhiều sáng kiến của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Gia Lai; em Nguyễn Đường Anh Minh-học sinh lớp 12C3A Trường THPT chuyên Hùng Vương, 2 năm liền đạt giải nhất môn Sinh học tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, huy chương vàng môn Sinh học kỳ thi Olympic truyền thống năm 2021; chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội nhiệt tình, tâm huyết ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang).
Mỗi tấm gương đều truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần lao động, học tập và sáng tạo không ngừng nghỉ, lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Các gương điển hình tiên tiến tham gia buổi giao lưu tại hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên |
Dịp này, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Ban tổ chức đã trao Huân chương Lao động cho 2 tập thể, 7 cá nhân; trong đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất; đồng chí Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Bên cạnh đó, 9 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ; 2 tập thể, 6 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Báo Gia Lai có nhà báo Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập-vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Phòng Báo Gia Lai Điện tử được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, 1 tập thể và 76 cá nhân được tôn vinh và tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Trao đổi với P.V, anh Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) xúc động cho hay: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh”. Anh Rânh là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm từ trồng mía, nuôi bò. Người đàn ông Bahnar này càng xứng đáng là “ngọn đèn” soi đường của làng Tpôn khi rộng lòng giúp đỡ bà con khó khăn trong làng phát triển kinh tế như: cho mượn bò, dê, heo nuôi rẽ; cho mượn đất trồng bắp, mì...
“Mình thấy người ta không có gì thì phải thương, không thương không giúp họ thì tội lắm”-anh lý giải về sự hào hiệp của mình.
Nhân rộng cái hay, cái đẹp
Tại hội nghị, Ban tổ chức cuộc thi viết “Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc” tỉnh Gia Lai lần thứ IV (năm 2022-2023) cũng tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi.
Sau 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 148 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh. Trong số đó có 78 tác phẩm báo in, 39 tác phẩm báo hình và 31 tác phẩm báo phát thanh. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải cho 44 tác phẩm của 30 tác giả và 14 nhóm tác giả; trong đó có 3 giải nhất, 7 giải nhì, 11 giải ba và 23 giải khuyến khích.
Cụ thể, ở thể loại báo nói, tác giả Đoàn Ngọc Bình (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) đạt giải nhất với tác phẩm “Người cha thứ hai”. Ở thể loại báo hình, nhóm tác giả Nhâm Thùy Dung-Văn Minh Trung (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) đạt giải nhất với tác phẩm “Mẹ đi học”. Ở thể loại báo viết, tác giả Phương Duyên (Báo Gia Lai) đạt giải nhất với tác phẩm “Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Lam Nguyên |
Nói về ý nghĩa thiết thực của cuộc thi, nhà báo Đoàn Ngọc Bình chia sẻ: “Cuộc thi là dịp tôn vinh những điển hình tiên tiến xuất sắc, đồng thời lan tỏa, nhân rộng cái hay, cái đẹp để từ đó lấy cái đẹp đẩy lùi cái xấu, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hướng đến những giá trị bền vững, đề cao tinh thần nhân văn, sự tử tế, sẻ chia”.
Để đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Mặt khác, xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy định hướng: “Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp; thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến”.
Mặt khác, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng; lựa chọn, bố trí cán bộ có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao làm công tác này; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp.
Nguồn: Tôn vinh “những ngọn đèn, những ngôi sao sáng”