Gia Lai: Từng có một dự định hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên Xô tại Kon Hà Nừng
Gia Lai: Khuyết tật vẫn sản xuất giỏi Gia Lai: Mơ về suối Hội Phú |
Bối cảnh lúc bấy giờ, sau ngày đất nước thống nhất, chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về việc chuyển lực lượng quân đội sang làm nhiệm vụ kinh tế, ngày 2-12-1976, Đoàn 332 được thành lập với quân số tương đương 1 sư đoàn. Khu vực Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ được giao cho Đoàn 332 quản lý để xây dựng thành vùng kinh tế lâm nghiệp quốc doanh trung ương. Cuối năm 1979, với quyết định thành lập các liên hiệp lâm-công nghiệp trực thuộc Bộ Lâm nghiệp-một mô hình kinh tế đang được áp dụng ở Liên Xô của Hội đồng Bộ trưởng, Đoàn 332 mang tên mới là Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Kon Hà Nừng thành “một mô hình kinh tế lâm-nông-công nghiệp hiện đại, một khu kinh tế-xã hội sầm uất”, hàng trăm kỹ sư, trung cấp kỹ thuật và cả những cán bộ khoa học hàng đầu của ngành lâm nghiệp lúc đó đã được bổ sung cho Liên hiệp. Đặc biệt, khoảng năm 1978 đã có tới 2.000 lao động và công nhân kỹ thuật từ tỉnh Hải Hưng (cũ) được bổ sung, đưa lực lượng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động toàn Liên hiệp lên tới con số 10 vạn người.
Thác 50 (huyện Kbang) là một trong những điểm đến hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: P.V |
Ngày 3-11-1978, tại Matxcơva, Việt Nam và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác. Sau khi Hiệp ước được ký kết, theo sự chỉ đạo của Bộ Lâm nghiệp, Liên hiệp Kon Hà Nừng là đơn vị kinh tế lâm nghiệp duy nhất được chọn để thực hiện sự hợp tác. Ngoài lý do là đơn vị có lực lượng sản xuất hùng hậu, cao nguyên Kon Hà Nừng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên lâm nghiệp giàu có.
Cuối năm 1979, đoàn chuyên gia Liên Xô đã chính thức đến thăm và làm việc với Liên hiệp để bàn về việc thực hiện chương trình hợp tác xây dựng Khu Kinh tế lâm-công nghiệp Kon Hà Nừng. Ông Nguyễn Vĩnh Mậu-nguyên Chủ tịch Công đoàn Liên hiệp Kon Hà Nừng-nhớ lại: Tin Liên hiệp được chọn hợp tác với Liên Xô khiến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động vô cùng phấn khởi. Trong bối cảnh khó khăn lúc đó, ai cũng hy vọng sự hợp tác này sẽ là cơ hội mang lại cho cuộc sống những sự đổi thay.
Để các chuyên gia yên tâm làm việc, Liên hiệp đã cố gắng tạo dựng một môi trường ăn ở, sinh hoạt tốt nhất cho họ trong khả năng của mình lúc đó. Tại Buôn Lưới (xã Sơ Pai), 3 dãy nhà xây có gắn máy điều hòa nhiệt độ (của hiếm lúc đó) và có máy nổ cung cấp điện làm nơi ở riêng cho các chuyên gia. Đầu bếp và người phục vụ được Liên hiệp lựa chọn rất kỹ.
Sau chuyến thăm và làm việc của đoàn chuyên gia đầu tiên, lần lượt 3 đoàn chuyên gia khác đã được Liên Xô cử sang để triển khai công tác. Tại Kon Hà Nừng, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu những đặc trưng của rừng nhiệt đới trong khu vực, đánh giá trữ lượng tài nguyên rừng, phối hợp xây dựng kế hoạch sản xuất.
Tuy chưa ký kết bằng văn bản cụ thể nhưng phương hướng chung là Liên Xô sẽ đầu tư toàn diện máy móc, vật tư để xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản theo dây chuyền khép kín, hiện đại nhằm tận dụng triệt để nguyên liệu, tạo ra nhiều mặt hàng phong phú phục vụ xuất khẩu. Liên Xô cũng sẽ giúp xây dựng tại Kon Hà Nừng một cơ sở nghiên cứu khoa học động-thực vật rừng nhiệt đới nhằm bảo tồn và tái sinh tài nguyên thiên nhiên.
Đáng tiếc là mọi việc đang được xúc tiến tích cực thì tình hình các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu diễn biến phức tạp. Tình hình chính trị ở Liên Xô cũng bắt đầu rối ren. Trong bối cảnh đó, đoàn chuyên gia phải rút về nước. Một chương trình hợp tác kinh tế-khoa học được nhen nhóm với bao niềm tin và hy vọng đành bỏ dở.
Nguồn: Từng có một dự định hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên Xô tại Kon Hà Nừng