Gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo tại thị trường Philippines
Giá gạo tăng, xuất khẩu của Việt Nam đẩy mạnh Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 10 năm, thị trường lớn nhất là Philippines |
Số liệu của Cục Thống kê Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023, Philippines đã nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Con số này cho thấy Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3%. Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines trong giai đoạn trên đạt 772,4 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng khác có chiều hướng sụt giảm.
Nhiều dự báo trước đó cho thấy khả năng Philippines giảm nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chi phí nhập khẩu tăng cao và định hướng phát triển sản xuất nội địa nhằm tự chủ lương thực của Chính phủ nước này, Philippines cho thấy nhu cầu nhập khẩu lớn. Điều này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như tích trữ để đối phó với những bất ổn thời tiết khi hiện tượng El Nino trở lại kéo theo tình trạng hạn hán, khô nóng có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa. Theo Cục Thống kê Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines với gần 90% lượng gạo nhập khẩu vào nước này (Ảnh minh họa). |
Bên cạnh nhu cầu về lượng nhập khẩu gia tăng, El Nino cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực. Đây là một số yếu tố chính dẫn tới tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines cả về lượng và kim ngạch. Ngoài những yếu tố thị trường, hoạt động của Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại gạo với Philippines trong nhiều năm liên tục tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gạo Việt Nam duy trì vị thế hàng đầu tại thị trường truyền thống này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đã phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong thời gian qua với nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn, giao thương, xúc tiến thương mại được tổ chức thành công.
Bộ Công Thương đưa ra nhận định, những tháng cuối năm 2023 và sang năm 2024, dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng. Để tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và chính sách của Philippines liên quan tới thương mại gạo, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động giao thương và tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Philippines.
Ngoài Philippines, Indonesia và nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang tăng mua gạo Việt do nguồn cung sụt giảm. Việc Indonesia sẽ nhập 2 triệu tấn gạo trong năm nay khiến giá gạo 5% tấm xuất khẩu liên tục tăng. Chính phủ Indonesia trước đó ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia Châu Phi với khối lượng đạt trên 600 nghìn tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập… Các doanh nghiệp ngành lúa gạo cũng đánh giá cao thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân, khá đồng điệu với văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Ba thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Các thị trường này cũng đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn và dĩ nhiên họ chấp nhận mức giá cao hơn, nên giá trị kim ngạch mang về vượt trội, khác với giá trị gạo xuất sang các nước Châu Phi. Sản xuất lúa gạo là ngành không có lợi nhuận cao. Mặc dù vậy, tìm được các khách hàng từ các thị trường lấy gạo làm lương thực chính sẽ tăng thêm giá trị cho gạo Việt. Chính vì vậy, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo là xuất khẩu giảm lượng, nhưng tăng giá trị.
Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.
Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%. Đặc biệt, định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao.
Nguồn:Gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo tại thị trường Philippines