Giá vàng tăng phi mã, hoạt động kinh doanh vàng tại các ngân hàng ra sao?
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra việc kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Nội dung thanh tra gồm việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, cùng việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra 45 ngày, với phạm vi từ đầu năm 2020 đến ngày 15/5/2024. "Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên", Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung.
Hoạt động kinh doanh vàng tại ACB, TPBank... hiện ra sao?
Dựa vào báo cáo tài chính tại các ngân hàng có thể thấy, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong đó có vàng được xem là một trong những nguồn thu phi tín dụng. Tuy nhiên, thu nhập từ kinh doanh vàng không mấy nổi bật.
Đơn cử tại ngân hàng ACB, trong năm 2023, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về hơn 1.110 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2022. Trong đó, thu từ kinh doanh vàng chỉ mang về gần 15 tỷ đồng, giảm tới 46% so với năm trước, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Giai đoạn 2010 -2023, hoạt động kinh doanh vàng của ACB cũng không ổn định. Năm 2011, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng gần 2.293 tỷ đồng. Đến năm 2012, thu từ kinh doanh vàng thoát lỗ, đạt 3 tỷ đồng và tăng tới hơn 49 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, năm 2015 bất ngờ lao dốc, chỉ mang về hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, hoạt động kinh doanh vàng tại ACB trồi sụt thất thường. Đỉnh điểm năm 2020, thu nhập từ hoạt động kinh doanh vàng đạt gần 74 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 lại giảm chỉ thu về gần 42 tỷ đồng và năm 2023 chỉ vỏn vẹn gần 15 tỷ đồng.
Tương tự tại ngân hàng MSB, năm 2023 ghi nhận hơn 1.072 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong đó, ngân hàng gộp cả lãi "thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng" đạt hơn 1.201 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 và chiếm 20% tổng thu nhập từ kinh doanh ngoại hối. Năm 2021, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng đạt gần 475 tỷ đồng, tăng tới 96% so với năm 2020,
Trước đó, vào giai đoạn 2016-2019, ngân hàng MSB tách riêng lãi "thu từ kinh doanh vàng" và "thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay" thành hai khoản khác nhau. Qua đó, lãi từ hoạt động kinh doanh vàng tại MSB không có gì nổi bật, chỉ vỏn vẹn vài chục đến vài trăm triệu đồng. Có thể thấy, doanh thu hoạt động kinh doanh ngoại hối không đến từ vàng mà là mảng kinh doanh ngoại tệ giao ngay.
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 tại MSB |
Tương tự tại TPBank, năm 2023, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng đạt hơn 876 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022, chiếm 32% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Giai đoạn 2019-2023, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tại TPBank liên tục tăng trưởng, từ 474 tỷ đồng năm 2019 lên tới 1.058 tỷ đồng năm 2022 nhưng đến năm 2023 bất ngờ giảm còn hơn 876 tỷ đồng.
Tại ngân hàng Eximbank, thu từ kinh doanh vàng năm 2012 đạt gần 834 tỷ đồng. Đây được coi là mức lãi lớn nhất cho đến nay. Giai đoạn 2019-2023, thu từ kinh doanh vàng tại Eximbank chỉ dao động dưới 200 tỷ mỗi năm. Thấp nhất vào năm 2023 chỉ đạt hơn 38 tỷ đồng, giảm đến 72% so với năm 2022, chỉ chiếm 0,41% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Theo tìm hiểu, Eximbank, ACB và MSB là một trong những ngân hàng tham gia phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 vừa qua. Trong đó, ngân hàng ACB đã trúng thầu với hơn 1.000 lượng vàng có giá 81,32 triệu đồng/lượng.
Nguồn:Giá vàng tăng phi mã, hoạt động kinh doanh vàng tại các ngân hàng ra sao?