Giá xăng dầu hôm nay (13-1): Kéo dài đà tăng
Giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm mạnh Giá xăng dầu hôm nay 11/1: Giảm hơn 1 USD |
Giá dầu thế giới
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12-2022 và sự lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc đã đẩy giá dầu tiếp tục tăng tốc trong khoảng 1 USD tại phiên giao dịch ngày 12-1.
|
Giá xăng dầu đang hướng đến tuần tăng giá. Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 1,36 USD, tương đương 1,7%, lên mức 84,03 USD/thùng, Giá dầu WTI của Mỹ tăng 98 cent, tương đương 1,3% lên mức 78,39 USD/thùng.
Số liệu từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 12-2022, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 5-2020. Tháng 11, CPI tăng 0,1%. Theo Reuters, điều này cũng đồng nghĩa với lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng giảm bền vững.
Tính đến tháng 12-2022, CPI cả năm của Mỹ tăng 6,5% - mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 10-2021. CPI hàng năm đã đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6-2022 - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11-1981. Mặc dù lạm phát có giảm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lạm phát hạ nhiệt có thể cho phép Fed tiếp tục thu hẹp tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 31-1 và 1-2. Một số quan chức cho rằng, mức tăng 25 điểm cơ bản là phù hợp.
Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 425 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0 lên mức 4,25% - 4,50%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Lần gần đây nhất, Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sau chuỗi 4 lần tăng 75 điểm cơ bản.
Trong khi đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đang mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi kết thúc các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 nghiêm ngặt, thúc đẩy hy vọng về nhu cầu dầu cao hơn tại quốc gia Đông Á này,
Một nhân tố khác thúc đẩy giá dầu leo dốc là sự giảm mạnh của đồng USD. Đồng bạc xanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng so với đồng Euro sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed sẽ “hạ nhiệt” việc tăng lãi suất.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, cho biết thị trường mong chờ dữ liệu CPI và số liệu này đã khiến đồng USD trượt dốc và kết quả là làm tăng giá dầu. Yawger nhận xét giá dầu thô hiện đang ăn theo đồng USD yếu.
Giá xăng dầu liên tục tăng trong những ngày qua. Ảnh minh họa: Reuters |
Ngay phiên giao dịch trước đó, cả dầu Brent và WTI đều tăng giá 3% với hy vọng triển vọng kinh tế toàn cầu có thể không ảm đạm như nhiều người lo ngại.
Hạn chế đà tăng của dầu là sự gia tăng mạnh và bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 6-1 đã tăng 19 triệu thùng lên mức 439,6 triệu thùng. Trước đó, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đã dự đoán mức giảm 2,2 triệu thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-1 với giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm cao nhất là 958 đồng/lít.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 3 lần điều chỉnh, trong đó 2 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.
Nguồn: Giá xăng dầu hôm nay (13-1): Kéo dài đà tăng