Giá xăng dầu hôm nay 22/8: Biến động trái chiều trên thị trường thế giới
Giá xăng RON 95 tiến gần 25.000 đồng/lít Giá xăng dầu hôm nay 21/8: Giá dầu WTI giảm xuống mức 81,21 USD/thùng |
Giá dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 5 giờ 30 phút ngày 22/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 0,34 USD, tương đương 0,40%, xuống mức 84,46 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 0,19 USD, tương đương 0,24%, lên mức 80,91 USD/thùng.
Trước đó trong phiên, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đã tăng tới 1 đô la. Tuy nhiên dầu thô tiếp tục lao dốc do những hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc đang ngày càng giảm dần.
Reuters dẫn lời John Kilduff, đối tác tại Again Capital, cho biết: “Có vẻ như sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể xảy ra. Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô để dự trữ vào đầu năm. Họ đang lên kế hoạch dự trữ dầu thô.”
Theo Robert Yawger, giám đốc năng lượng tương lai, Mizuho Securities USA, bây giờ là lúc xảy ra cuộc chiến giữa việc cắt giảm sản lượng dầu thô của Saudi với việc phá hủy nhu cầu.
Giá dầu thô tăng trong suốt mấy tháng qua được đẩy lên bởi sự cân bằng chặt chẽ giữa nguồn cung dầu thô và nhu cầu cao.
Đồng thời, OPEC và Nga cùng lúc cắt giảm sản lượng để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch.
Ả Rập Saudi cho biết trong tháng này sản lượng của họ sẽ duy trì khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, cắt giảm khoảng 1 triệu thùng cho đến hết tháng Chín.
Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp trước những lo ngại về tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu về dầu mỏ, trong khi khả năng Mỹ tăng thêm lãi suất cũng làm lu mờ triển vọng nhu cầu.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay một năm xuống 10 điểm cơ bản và giữ nguyên lãi suất 5 năm. Đó là một bất ngờ đối với các nhà phân tích, những người đã dự kiến quốc gia này sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản vì sự phục hồi kinh tế đang bị chững lại trước sự sụt giảm mạnh của bất động sản, mức chi tiêu thấp và tăng trưởng tín dụng sụt giảm.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 31% so với tháng 6 trong khi Nga, với dầu thô giảm giá, vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của gã khổng lồ châu Á.
Các nhà phân tích cho biết nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Saudi Arabia dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý III.
Trung Quốc đang sử dụng hàng tồn kho kỷ lục được tích trữ vào đầu năm nay khi các nhà máy lọc dầu thu hẹp quy mô mua sau khi giá được đẩy lên trên 80 USD/thùng và OPEC+ cắt giảm nguồn cung.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING, tin rằng giá dầu vẫn còn nhiều khả năng rằng sẽ tăng cao hơn do nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh chiều ngày 21/8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 23.339 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 24.601 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 22.354 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 22.309 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.981 đồng/kg.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều ngày 21/8, giá xăng dầu đồng loạt tăng, trừ giá dầu diesel giảm.
Thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Những lo ngại xoay quanh nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc, sự tăng giá của đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, Trung Quốc sử dụng dầu dự trữ để ngăn chặn việc OPEC+ cắt giảm nguồn nhằm đẩy giá dầu đi lên…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11/8 đến 20/8 có biến động tăng giảm đan xen.
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối các mặt hàng xăng, dầu disel, dầu hỏa, dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut.
Nguồn: Giá xăng dầu hôm nay 22/8: Biến động trái chiều trên thị trường thế giới