Giá xăng dầu hôm nay 24/7: Dầu thô chịu áp lực giảm giá lớn
Giá xăng dầu hôm nay 23/7: Dầu thô tiếp tục giảm mạnh khi dầu Nga được “nới lỏng” Giá xăng dầu hôm nay 22/7: Dầu WTI đang dần lấy lại được đà tăng tốc |
Ngay phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô đã có xu hướng giảm mạnh khi mà các dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này sụt giảm.
Cụ thể, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018 do các nhà máy lọc dầu của nước lại hạn chế công suất do lo ngại các đợt phong toả sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu tại nước này đã giảm gần 10% so với 1 năm trước, riêng tháng 6, sản lượng đã giảm tới 6%.
Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa cảnh báo về nhu cầu dầu toàn cầu đang giảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn.
Còn theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu đã giảm xuống còn 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng Euro cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm sau khi đã bị hạ xuống mức 2,7% hồi tháng 5/2022, giảm mạnh so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng 2/2022.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô cũng ngày một lớn hơn bởi tình hình “dịch chồng dịch” đang diễn ra tại nhiều quốc gia, lạm phát leo thang… đe doạ nghiêm trọng nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/7/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 93,53 USD/thùng, giảm 1,04 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 99,85 USD/thùng, giảm 1,31 USD/thùng trong phiên.
Đà giảm của giá dầu tạm bị chặn lại và bật tăng mạnh trong phiên 19/7 khi thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê-út và UAE đã không mang lại những kết quả như kỳ vọng được phát đi, và đồng USD suy yếu.
Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được ghi nhận giảm mạnh trong tháng 6/2022 do lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế đó, giới phân tích vẫn chỉ ra nhiều điểm kỳ vọng. Đó là lĩnh cực khai thác, chế tạo tăng 0,9% so với quý II/2021; doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%; sản xuất công nghiệp phục hồi 3,9% so với cùng kỳ…
Lượng dầu Nga bán sang Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm đáng kể, tới 30%, so với mức đỉnh được ghi nhận kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, theo thông tin được Bloomberg.
Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu cũng buộc nhiều nước trong khu vực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, trong đó có dầu thô, đặc biệt khi thời tiết ở nhiều nước như Anh, Đức được ghi nhận nắng nóng kỷ lục.
Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi lo ngại G7 sẽ áp giá trần với dầu mỏ Nga. Theo ông Gal Luft, Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, thì đây là một ý tưởng vô lý bởi nó giống việc đến một cửa hàng và yêu cầu người bán hàng phải bán với giá thấp hơn mức giá niêm yết.
Vị chuyên gia này đồng thời cũng cảnh báo động thái này có thể đẩy giá dầu lên mức 140 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/7/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 100,35 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 107,25 USD/thùng.
Nhưng đà tăng của giá dầu cũng không duy trì được lâu khi một loạt các vấn đề về lạm phát, tăng trưởng và dịch bệnh… tiếp tục đè nặng lên bức tranh kinh tế toàn cầu, đe doạ lạm sụt giảm nghiêm trọng các nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô. Và thực tế, kể từ phiên 22/7, cộng với việc nguồn cung dầu thô được kỳ vọng cải thiện mạnh, giá dầu đã liên tục giảm, dần trượt sâu về mức 100 USD/thùng.
Tại Mỹ, bất chấp vào mùa cao điểm tiêu thụ, nhu cầu xăng cũng được ghi nhận giảm gần 8% so với cùng kỳ 2021 do giá xăng cao kỷ lục ở nước này.
Theo dữ liệu từ Reuters, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng tới 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa con số dự báo được đưa ra là chỉ tăng 71.000 thùng.
Nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 cũng được cho là sẽ sớm khởi động trở lại.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 cách đây 2 năm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức 0,4%, thấp hơn dự báo 1,2% của các nhà kinh tế và là mức yếu nhất kể từ năm 2020.
Ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6%, giảm so với mức dự báo 5,2% được đưa ra hồi tháng 4/2022.
Giới đầu tư cũng lo ngại làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương theo đuổi nhằm kiềm chế lạm phát sẽ tạo áp lực lớn hơn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi nhiều nền kinh tế lớn còn đang phải đối diện với làn sóng Covid-19 mới.
Ở diễn biến mới nhất, EU đã cho phép các doanh nghiệp nhà nước của Nga là Rosneft và Gazpromđược vận chuyển dầu đến các nước thứ 3. Theo sự điều chỉnh này, từ ngày 22/7, các khoản thanh toán liên quan đến việc mua dầu thô theo đường biển của Nga của các công ty EU sẽ không còn bị cấm nữa.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu ngày 24/7 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 95,09 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 103,63 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, từ 15h chiều ngày 21/7, sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được niêm yết trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 25.073 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 26.070 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 24.858 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 25.246 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Nguồn:Giá xăng dầu hôm nay 24/7: Dầu thô chịu áp lực giảm giá lớn