Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Dầu Brent tăng sát mốc 90 USD/thùng
Giá xăng dầu hôm nay 3/9: Tăng mạnh sau 2 tuần giảm giá liên tiếp Lùi lịch điều chỉnh giá xăng dầu đến sau kỳ nghỉ lễ 2/9 |
Giá dầu thế giới
Tuần trước, giá dầu đã bất ngờ quay đầu bứt tốc sau 2 tuần giảm giá liên tiếp. Đáng chú ý là giá dầu đã chinh phục “đỉnh” mới trong 7 tháng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 4,8% lên mức 88,55 USD/thùng, dầu WTI tăng sốc tới 7,2% lên mức 85,55 USD/thùng.
Investing cho biết, sự leo dốc không ngừng của giá dầu trong tuần trước, nhất là ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần là kết quả của niềm tin ngày càng tăng của thị trường rằng nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện hằng tháng 1 triệu thùng/ngày sang tháng 10, tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm sâu tuần thứ 3 liên tiếp, tới 10,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25-8, cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu leo dốc mạnh mẽ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ cũng đã giảm 34 triệu thùng, giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Theo CNBC, các nhà giao dịch và nhà đầu tư thường coi những thay đổi trong tồn kho của Mỹ là đại diện cho những thay đổi trong cán cân sản xuất-tiêu thụ toàn cầu, đồng thời giá giao ngay và chênh lệch giá có thể tăng nếu tồn kho liên tục cạn kiệt.
Một yếu tố khác cũng tác động không nhỏ đến sự tăng của giá dầu tuần trước là sự trượt giá của đồng USD ở giữa tuần. Đồng USD giảm sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ mới công bố cho thấy bảng lương tư nhân tăng ít hơn so với dự kiến trong tháng 8. Dữ liệu này góp phần củng cố niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 19 và 20-9 và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách lãi suất.
Giá dầu vẫn tiếp tục tăng ở những phiên giao dịch cuối cùng của tuần bất chấp đồng USD tăng lên mốc 104,26.
Cuối tuần trước, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 8 tốt hơn mong đợi dù tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Craig Erlam, nhà phân tích tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA, nhận xét dữ liệu việc làm này phát đi “tín hiệu lãi suất có thể không tăng thêm nữa”, khiến tất cả các tài sản rủi ro trở nên tích cực hơn.
Investing cho biết, giá dầu đã phục hồi; xu hướng tăng giá của dầu thô có thể kéo dài tạm thời bằng việc OPEC cố gắng đưa giá dầu Brent vượt mốc 90 USD/thùng nhờ sự giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga.
Tuy nhiên, theo John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, “nhu cầu luôn là yếu tố thúc đẩy lớn hơn nguồn cung”. Kilduff nhận xét, “Trung Quốc vẫn chưa mua đủ và Iran đang xuất khẩu nhiều dầu hơn”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 4/9 tiếp tục được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h00 ngày 21/8 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Dù 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước nhưng theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, do trùng với ngày nghỉ lễ nên giá dầu tiếp tục giữ nguyên. Giá dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tức là ngày 5/9.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 517 đồng/lít, lên 23.339 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 608 đồng/lít, lên 24.601 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 420 đồng/lít lên 22.309 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 313 đồng/kg lên 17.981 đồng/kg. Riêng dầu diesel giảm 71 đồng/lít xuống còn 22.354 đồng/lít.
Trong phiên điều chỉnh này, liên Bộ không trích lập và dừng chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên phần lớn các mặt hàng xăng dầu đều tăng giá trừ dầu diesel giảm nhẹ. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Nguồn: Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Dầu Brent tăng sát mốc 90 USD/thùng