Giải pháp nào cho bài toán giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam?
CEO Gen Z Kiều Việt Hoàng - Sáng tạo giải pháp Marketing cho sự thành công PVCFC - Tiên phong cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng |
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, hiện nay ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Dù lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tuy đã từng bước bị kiểm soát ngặt nghèo nhưng số lượng vẫn không ngừng tăng, năm 2016 là hơn 18.000 tấn, năm 2017 trên 90.000 tấn và đến năm 2018 đã là 175.000 tấn.
Công nghệ tái chế đóng vai trò then chốt
Trước thực trạng, thách thức do ô nhiễm bởi rác thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện như Quyết định số 175 về đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 1316 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 có nhiều điểm mới và mang tính đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế tại Việt Nam, cụ thể tại Điều 142 quy định về Kinh tế tuần hoàn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xác định “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
"Để đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải Công nghệ tái chế chất thải là yếu tố quan trọng. Chúng ta cần tìm cách sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến đảm bảo về mặt sản phẩm sau tái chế đạt yêu cầu đồng thời đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Việc đầu tư, phát triển tập trung vào công nghệ tái chế chất thải sẽ giúp các chuyên gia và nhà quản lý chất thải có được cái nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn của Luật BVMT 2020", ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chia sẻ.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Khoa Môi trường – Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đang nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa với 3 định hướng chính sách là: Xác lập môi trường pháp lý cùng chế tài các tác động môi trường; Cấm và hạn chế những sản phẩm nhựa khó kiểm soát phế phẩm, tìm kiếm sản phẩm thay thế; Thu gom, tái chế, xử lý với quy trình công nghệ thật sự hiệu quả trong bối cảnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư…
Để hoàn thành những mục tiêu này thì cần phải tiến hành đồng bộ 3 nhóm gải pháp. Thứ nhất, xác lập môi trường pháp lý cùng các cơ chế tài chính phù hợp để hạn chế thấp nhất các tác động của rác thải nhựa tới môi trường. Để thực thi hiệu quả vấn đề này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Tuy nhiên, không thể chờ đợi lâu hơn nữa và không thể mãi áp dụng những giải pháp tình thế, những đợt vận động phong trào, những hoạt động môi trường nửa vời, mà phải có chương trình hành động quốc gia mang tính quyết liệt, triệt để và liên tục nhằm tạo nên ý thức phòng chống ô nhiễm môi trường, xây dựng một cuộc sống xanh, sạch.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về quản lý chất thải rắn và quy trình, cơ chế phối hợp liên địa phương trong việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa; đồng thời thống nhất tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương theo hướng phân định rõ trách nhiệm. Ngành tài nguyên môi trường cần có bộ phận chuyên trách kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom vận chuyển, sàng lọc tái chế rác thải nhựa, hoạt động kiểm soát, thu hồi các dạng thải rắn, lỏng, khí phát thải khi xử lý, đánh giá chất lượng nguyên liệu thứ phẩm và xác định vòng đời nhựa tái sinh, quan trắc khảo sát để ngăn chặn khả năng phát sinh vi hạt nhựa sau tái chế, xử lý ra môi trường tại nơi sản xuất và khu vực xung quanh.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để thúc đẩy văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng dân cư. Xây dựng chương trình hành động quốc gia sâu rộng, với tiêu chí là không để rác thải nhựa xuất hiện với bất cứ kích cỡ, hình thức, điều kiện nào trong môi trường.
Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa sinh học: bioplastic đang được thế giới công nhận là giải pháp hàng đầu vì bảo đảm các tính chất ưu việt như nhựa. Đây là sản phẩm nhựa “xanh” từ sự kết hợp hoàn hảo giữa các polymer có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như PLA (Poly-lactid Acid), PHA (Poly-hydroxy Alkanoates), PBS (Poly-butylene Succinate)… và các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất, tiêu dùng túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2025.
Nguồn: Giải pháp nào cho bài toán giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam?