Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam
Cơ chế, chính sách phát triển thị trường “trái phiếu xanh” Những quốc gia nào đã phát hành trái phiếu xanh? |
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho việc phát triển trái phiếu xanh. Chính phủ cần ban hành văn bản cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh, trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh. Những tiêu chuẩn này cần được xây dựng theo GBP 2015 và phù hợp với đặc điểm của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội để trái phiếu xanh phù hợp với thị trường trong nước, nhanh chóng trở thành một công cụ tài chính được quan tâm trên thị trường.
Các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh cũng cần được cụ thể hóa, chi tiết hóa để chủ thể phát hành trái phiếu xanh tuân thủ. Bên cạnh đó, yêu cầu minh bạch thông tin liên quan đến việc phát hành và sử dụng nguồn quỹ từ trái phiếu xanh cần được quy định chặt chẽ làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể quan tâm. Cơ quan chức năng sớm ban hành bộ chỉ số đánh giá các công ty phát triển bền vững nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh.
(Ảnh minh họa) |
Chính sách ưu đãi cần sớm được ban hành để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư trái phiếu xanh. Sau khi xác định các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh, Nhà nước cần đưa ra những ưu đãi về thuế, phí hoặc những thuận lợi khác cho các đơn vị phát hành cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đề án về trái phiếu xanh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận sử dụng trái phiếu xanh trong thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao hơn các loại trái phiếu khác. Ngoài ra, để tăng thêm tính thanh khoản cho trái phiếu xanh, NHNN có thể xây dựng cơ chế chấp nhận sử dụng một số loại trái phiếu xanh để làm dự trữ bắt buộc… nhằm khuyến khích các ngân hàng sở hữu trái phiếu xanh trong danh mục tài sản của mình, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển.
Chính phủ cần có chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong nước song song với phát hành trái phiếu ra quốc tế. Để phát triển trái phiếu xanh, trong thời gian tới Việt Nam cần có những biện pháp phát triển thị trường mua bán nợ. Sau những đợt phát hành trái phiếu ở nước ngoài thành công, Chính phủ cần có định hướng cho việc phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế nhằm thu được nguồn ngoại tệ lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế xanh trong nước.
Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam nói riêng, cần được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Những yếu tố cấu thành cung - cầu trên thị trường được hình thành sẽ góp phần cho trái phiếu xanh ra đời và phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần liên kết với các tổ chức nước ngoài như WB, UNDP, GIZ… để được tư vấn và hướng dẫn phát triển trái phiếu xanh trên thị trường, góp phần phát triển hệ thống tài chính xanh.
Trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới mẻ và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Chính phủ, việc phát hành trái phiếu xanh có thể là một giải pháp huy động vốn với các dự án quốc gia cấp thiết trong lĩnh vực môi trường, chống biến đối khí hậu… Đối với các địa phương, đây sẽ là một giải pháp để các địa phương có nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh của địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương. Riêng đối với các doanh nghiệp, trái phiếu xanh sẽ là công cụ tốt để họ có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, trái phiếu xanh vẫn là kênh huy động vốn mới, đang trong giai đoạn thí điểm áp dụng tại một số địa phương và vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc phát hành, tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh, đánh giá hiệu quả môi trường… mà các dự án xanh mang lại. Do đó, trong thời gian tới, để trái phiếu xanh trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh cũng như là công cụ quan trọng trong chính sách tăng trưởng xanh của Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn và xây dựng đề án mở rộng phát hành trái phiếu xanh tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.../.
Nguồn:Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam