Giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường trong phát triển kinh tế |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, sản xuất nông nghiệp trong đó trồng trọt là một trong những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng không theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng các loại thuốc có độ độc cao và không rõ nguồn gốc,...); Sử dụng phân bón vô cơ (sử dụng không đúng cách, quá liều lượng quy định,..); Sử dụng phân bắc, phân chuồng tươi không qua xử lý; Rác thải nguy hại trong trồng trọt (bao bì phân bón hoá học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật,... ) chưa được thu gom và xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường; không thu gom, xử lý hoặc đốt bỏ phụ phẩm cây trồng;...
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sản xuất trên 63.400 ha cây trồng hàng năm, 7.000 ha cây trồng lâu năm, sản xuất gần 222 nghìn tấn lương thực, trên 157 nghìn tấn rau,… và theo đó sẽ có một lượng không nhỏ các loại phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ, thân ngô, lá mía,…sau khi thu hoạch bị đốt trực tiếp ngoài ruộng sẽ vừa gây lãng phí chất hữu cơ, vừa gây khói bụi làm ảnh hưởng đến sức con người như gây các bệnh đường hô hấp, phổi; ảnh hưởng đến giao thông và phát thải khí nhà kính; gián tiếp gây ảnh hưởng tới cây trồng khi làm khi rơm rạ bị phân hủy trong điều kiện ngập nước, làm nghẹt rễ, giảm năng suất hoặc là nơi trú ngụ cho nhiều loại sinh vật gây hại,...
Bên cạnh đó, với lượng phân bón vô cơ các loại cần phải sử dụng khoảng 70.000 tấn và khoảng 80-100 tấn thuốc BVTV hóa học thì lượng phân bón thất thoát không được cây trồng hấp thu (có thể lên đến 7.000-10.000 tấn) và lượng thuốc BVTV còn bám dính tồn dư trong vỏ bao gói sau sử dụng (có thể lên đến 2,15 tấn thuốc BVTV) cùng gần chục tấn vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng sẽ phát thải ra môi trường. Đây là nguồn thải có nguy cơ cao gây ảnh hưởng tới môi trường, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm và nước mặt), ô nhiễm đất,... làm giảm đa dạng sinh học, tồn dư hóa chất trong nông sản và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người; làm tăng chi phí sản xuất lên rất lớn, nhất là trong các thời điểm giá cả vật tư đầu vào tăng cao.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn (Ảnh minh họa). |
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022, trong thời gian qua nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp phục vụ cho hoạt động trồng trọt (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…), các loại phụ phẩm cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh sạch đẹp về môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất trồng trọt.
Hiện công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh được triển khai trên 3 nội dung: Quản lý kinh doanh, buôn bán; quản lý sử dụng; quản lý thu gom bao bì thuốc BVTV. Để bảo vệ môi trường nông thôn từ hoạt động sản xuất trồng trọt, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.628 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và 7 khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Năm 2022, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom là 10.800kg (khối lượng đã xử lý tiêu hủy là 3.640kg; khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom vào các bể chứa, khu lưu chứa chờ xử lý tiêu hủy là 7.160kg).
Trong thời gian tới nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp phục vụ cho hoạt động trồng trọt (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…), các loại phụ phẩm cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh sạch đẹp về môi trường trong lĩnh vực trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện một số giải pháp:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 08/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh về thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh về Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/01/2023 về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,…Xây dựng chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.
Công tác thu gom rác thải từ thuốc BVTV được các địa phương đẩy mạnh triển khai. |
Chú trọng tuyên truyền về các nội dung: Phát triển nền nông nghiệp bền vững; Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái (Áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng).
Phát triển nông nghiệp có trách nhiệm: Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu... hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả, an toàn các loại phân bón, hóa chất, thuốc BVTV; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; xử lý phụ phẩm trồng trọt bằng các giải pháp thân thiện, theo hướng tái sử dụng cho mục đích khác như để chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ... để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và tránh lãng phí nguồn tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Triển khai các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường (làm đất tối thiểu, bón phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu....). nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý vật tư nông nghiệp; bảo vệ tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái và nguồn lợi thực vật; bảo vệ đa dạng sinh học, các nguồn giống cây trồng quý hiếm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các đối tượng sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại....
Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, xử lý rơm rạ sau thu hoạch…
Trong trồng trọt, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Cùng với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, lượng chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường; đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải nhựa trong nông nghiệp; xây dựng bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân…
Nguồn:Giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp