Giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến du lịch xanh
Liên kết phát triển các sản phẩm du lịch xanh Phát triển du lịch bền vững, tạo động lực phục hồi du lịch quốc gia |
Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ, trong đó, chỉ một phần được thu hồi để tái chế hoặc tiêu hủy, còn lượng lớn bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Đặc biệt, ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển, trung bình mỗi du khách thải ra môi trường 5-10 túi ni-lông/ngày, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần.
Các chuyên gia cho biết, nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch có cả trên đất liền và biển, đến từ các cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch và tàu, thuyền du lịch, với túi ni-lông, hộp xốp, hộp nhựa, vỏ chai, ống hút, bát, cốc, thìa nhựa, vỏ dầu gội, sữa tắm, tăm bông, mũ ủ tóc, lược, bàn chải, áo phao, đồ cứu hộ cũ, hỏng… Điều này làm ảnh hưởng tới cảnh quan của các khu, điểm du lịch.
Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.
Để bảo đảm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch như: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tiến tới sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch…
Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2018 ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL ngày 15/5/2019 về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần; Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa-thể thao và du lịch… Tuy nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa vẫn đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch...
Công tác thu gom rác thải nhựa, làm sạch các khu vực ven biển được các địa phương chú trọng triển khai. |
Thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng ổn định trong những năm qua. Tuy nhiên, việc gia tăng chất thải nhựa đang làm giảm tính hấp dẫn của du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ước tính trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2 đến 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Đó là chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Thành phố Huế đang triển khai dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa và có 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn thành phố Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa.
Từ năm 2019, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm tại cố đô Huế đã không còn sử dụng túi ni-lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần. Đến nay, hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng ký cam kết về việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm từ nhựa. Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp với dự án “Huế- Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” tiếp tục triển khai chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch tại thành phố Huế, góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng môi trường du lịch Huế ngày càng văn minh, thân thiện, tích cực.
Thành phố Hội An (Quảng Nam) là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tại Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố về bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong thời gian đến, Hội An sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường. Đối với khu phố cổ, thành phố sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp giải quyết những vấn đề “nóng”, bức xúc về môi trường còn tồn tại trong khu phố cổ; phân tích nguyên nhân của từng vấn đề để đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả.
Trong những năm qua, nhận thức được tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường và sức khỏe, từ năm 2009 UBND thành phố Hội An đã phát động chiến dịch giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi nilon trên toàn địa bàn thành phố, đồng thời lấy ngày 9/9 là Ngày “Hội An nói không với túi nilon” nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của con người và môi trường sống.
Trước đó, nhằm cân bằng giữa công tác quản lý môi trường và mục tiêu xây dựng thành phố Hội An 'sinh thái - văn hóa - du lịch', ngành Du lịch thành phố đã dần chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường. Theo đó, UBND TP. Hội An (Quảng Nam) và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã ký và công bố “Khung kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021-2023”. Khung hành động của doanh nghiệp du lịch gồm "8T" là tổ chức thực hiện, từ chối nhựa dùng một lần, tiết giảm sản phẩm khó tiêu hủy, tái sử dụng, thay thế vật liệu, tái chế trên cơ sở phân loại, truyền thông nâng cao nhận thức và tạo sản phẩm, dịch vụ hướng tới du lịch xanh.
Cải thiện hệ thống phân loại, thu gom rác thải nhựa tại các điểm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Ảnh: BQN.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng ngành du lịch cần có kế hoạch hành động cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, mà doanh nghiệp du lịch và những người làm du lịch cần trở thành đối tượng tiên phong, từ đó tạo tác động thu hút mọi thành phần cùng tham gia. Với sự ủng hộ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.
Dự án gồm ba hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. Dự án hiện được triển khai thí điểm tại 2 điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam là thành phố Hội An (Quảng Nam) và huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực cũng như tính khả thi để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy mạnh phối hợp nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch để tới năm 2025 không còn sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy. Cùng với đó là xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch như: cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa phù hợp với định hướng phát triển du lịch; nhà sản xuất thu hồi, tái chế và giảm thiểu các loại vỏ chai nhựa thải ra môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại các khu, điểm du lịch; ban hành quy chế xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường...
Nguồn:Giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến du lịch xanh