Liên kết phát triển các sản phẩm du lịch xanh
Phát triển du lịch bền vững, tạo động lực phục hồi du lịch quốc gia Phát triển du lịch xanh từ nguồn tài nguyên văn hóa bản địa |
Nằm ở vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Xứ Quảng không chỉ là địa phương duy nhất của cả nước sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), mà còn có nhiều di sản nổi tiếng khác như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An) Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - Nghệ thuật Bài chòi. Cùng với đó, Quảng Nam có bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm nổi tiếng, gần 70 lễ hội, hàng trăm làng nghề truyền thống, gần 500 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đó là lợi thế của xứ Quảng để phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam, đây là bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam trên 6 lĩnh vực: Khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.
Tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh trong thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển bền vững. Ảnh: QT. |
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, đến nay ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang có chuyển biến rất tích cực trên con đường xanh hóa sản phẩm du lịch. Hiện có nhiều sản phẩm/mô hình du lịch được doanh nghiệp quan tâm đầu tư như mô hình lưu trú du lịch xanh kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian, mô hình du lịch làng quê, làng nghề, du lịch cộng đồng.
Người dân tích cực tham gia các hoạt động du lịch địa phương, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch có tính giáo dục cao, như tuần hoàn rác - tái chế, đưa nông nghiệp sạch, hữu cơ vào sản phẩm tạo hệ sinh thái du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường…
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện đại, việc xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được Thành phố quan tâm, xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, xu thế lựa chọn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã hình thành và đưa vào khai thác như: An Phú Farm, Banarita Glaping Farm, Vườn nho thung lũng Nam Yên, khu cắm trại Yên Retreat, trang trại Mẹ Ken, làng du lịch sinh thái Thái Lai (Hòa Nhơn)… Tuy nhiên một số khu, điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp vẫn đang ở mức độ bước đầu khai thác, phát triển, chưa hoàn thiện nên chưa thể đánh giá về chất lượng; các hoạt động dịch vụ hiện có chỉ mới thu hút và đáp ứng được khách du lịch nội địa và nội vùng.
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đề nghị các địa phương cần phải có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch xanh đồng bộ. Phát triển cơ sở lưu trú cộng hưởng với dịch vụ du lịch làng quê, làng nghề, nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Đối với TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới sẽ phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp tại khu vực: Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…
Các địa phương phát huy tiềm năng du lịch, đẩy mạnh liên kết nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, thu hút du khách. Ảnh: HN. |
Tại Thừa Thiên-Huế, địa phương này có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nghệ thuật hô hát Bài Chòi. Tỉnh cũng có bờ biển dài trên 125 km và 2 xã đảo, sở hữu nhiều bãi biển đẹp, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trải dài từ biển đảo đến vùng sâu trong đất liền, đã và đang là nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Tiềm năng này chắc chắn sẽ phát huy giá trị nếu có sự liên kết sâu rộng và bền vững với các địa phương khác.
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng với các địa điểm như nhà vườn, cầu Ngói Thanh Toàn, đầm Chuồn, phá Tam Giang…Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành "Bộ tiêu chí du lịch xanh" cho mảng khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời, đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.
Trên cơ sở thực trạng phát triển du lịch xanh, bền vững tại địa phương, các Sở du lịch của 3 tỉnh/thành phố sẽ xem xét, nghiên cứu và cùng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển hoạt động du lịch xanh, bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch cộng đồng… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương.
Từ tiềm năng phát triển du lịch của 3 địa phương này các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch 3 địa phương sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính xây dựng kết nối sản phẩm tạo thành tour du lịch xanh đưa vào khai thác, phục vụ du khách. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc khai thác, hướng dẫn du khách trong quá trình thực hiện chào bán các sản phẩm du lịch xanh.
Ngành du lịch 3 tỉnh/thành phố sẽ phối hợp đẩy mạnh hợp tác tư vấn, chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản phẩm/dịch vụ du lịch xanh, bền vững; hỗ trợ các đoàn khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm; hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ năng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái tại các địa phương. Qua đó, thúc đẩy hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường du lịch chống các hành vi nâng giá, “chặt chém”, chèo kéo du khách...
Đối với hoạt động hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch, 3 tỉnh sẽ hỗ trợ giới thiệu quảng bá các sản phẩm/mô hình/ dịch vụ du lịch xanh, bền vững của 3 địa phương tại những sự kiện, hoạt động của 3 Sở liên quan đến du lịch bền vững; giới thiệu trên các kênh thông tin của các Sở như website và các trang mạng xã hội...;Tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức/ cơ quan/ các hội đoàn thể của địa phương về lợi ích của du lịch xanh, bền vững; khuyến khích các tổ chức/ cá nhân quan tâm và ủng hộ sử dụng các sản phẩm du lịch xanh của 3 địa phương.
Nguồn:Liên kết phát triển các sản phẩm du lịch xanh