Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Việt Nam
Phát triển du lịch bền vững, mang đậm giá trị bản sắc dân tộc Rác thải nhựa dùng một lần tăng chóng mặt trên toàn cầu |
Quản lý rác thải nhựa bằng phần mềm ứng dụng
Những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 khoảng 230.110 tấn, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa dùng 1 lần.
Du khách thích thú tham gia tour du lịch dọn rác tại rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An. |
Trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Một trong những điểm mới là xây dựng phần mềm ứng dụng để quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch. Theo đó, dự án sẽ phát động cuộc thi thiết kế phần mềm ứng dụng và trao giải đối với ý tưởng tốt nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ chủ trì vận hành và duy trì hoạt động của phần mềm này.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam và chính quyền các xã triển khai dự án. Trong đó, truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa được coi là hoạt động trọng tâm. Cụ thể, dự án sẽ tổ chức các hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa nhằm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, xả thải của người dân cho các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch tại tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam. Đồng thời, sản xuất các sản phẩm truyền thông về giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch và phát cho các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, Hiệp hội du lịch địa phương, các viện nghiên cứu, trường đào tạo về du lịch để tuyên truyền.
Bên cạnh tổ chức các hội thảo tuyên truyền, dự án cũng sẽ thực hiện kế hoạch thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam như tổ chức tập huấn hướng dẫn giảm thiểu rác thải nhựa, cách thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách tới cán bộ quản lý, nhân viên Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn Vân Long, Ban quản lý Phố cổ Hội An, nhà hàng, khách sạn tham gia thí điểm. Tập huấn cho doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, người chèo thuyền/lái đò, ca nô nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và cách tuyên truyền cho khách du lịch. Ngoài ra, dự án cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa đối với khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và ban hành Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.
Thúc đẩy giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch
Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Trong đó, thông qua các hoạt động truyền thông của dự án sẽ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua dự án, những tiêu chuẩn, quy chế để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch sẽ được ban hành, tiến tới nhiều địa phương đạt danh hiệu cơ sở du lịch nói không với rác thải nhựa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Đây là chương trình rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực phục hồi du lịch, gắn với tư duy mới, định hướng mới là phát triển du lịch xanh, bền vững. Dự án này có tác động thiết thực đối với ngành du lịch, đã quan tâm chú trọng đến chiều sâu để du lịch Việt Nam đi đúng hướng hơn, bền vững hơn; bám sát, tiệm cận với du lịch khu vực và thế giới, vươn lên xứng tầm.
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu kỳ vọng sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý về du lịch địa phương, hiệp hội du lịch sẽ kết nối các hoạt động, chương trình chính sách được lan tỏa đến các doanh nghiệp, du khách và người dân, qua đó, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai tại Ninh Bình và Quảng Nam sẽ đạt hiệu quả, trở thành điểm nhấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Là địa phương thực hiện thí điểm đầu tiên của dự án, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn bày tỏ, để triển khai dự án hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị triển khai du lịch xanh, không sử dụng chất thải nhựa. Việc này cần phải được cộng điểm khi đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Duy Phong chia sẻ, địa phương sẽ tập trung thu gom rác thải, tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải, trước mắt, thí điểm ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Vân Long.
Nguồn:Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Việt Nam