Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Nỗi nguy hại đáng sợ từ “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam Indonesia lên kế hoạch cấm sử dụng nhựa một lần vào cuối năm 2029 |
Năm 2023, Chương trình triển khai thực hiện tại 04 điểm chợ trên địa bàn tỉnh gồm: Chợ Pom Hán, thành phố Lào Cai; Chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai; Chợ Bản Liền, huyện Bắc Hà; Chợ thuộc thôn trung tâm xã Bản Lầu, huyện Mường Khương nhằm thực hiện công tác xử lý rác thải nhựa được thu gom tại các chợ dân sinh đảm bảo khoa học, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Tại các điểm chợ trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền tác hại của việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy đối với sức khỏe con người và môi trường sống; giới thiệu các biện pháp thân thiện với môi trường, thay thế đồ nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; nêu rõ trách nhiệm cá nhân, cộng đồng trong công tác chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung thông qua treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, pano tuyên truyền, phát tờ rơi, hệ thống báo chí, tuyên truyền của tỉnh và các địa phương. Đồng thời tuyên truyền nội dung trên hệ thống loa phát thanh của Ban Quản lý các chợ tối thiểu 02 lần/tuần.
Công tác tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào về giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai tại các điểm chợ. |
Triển khai mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”. Theo đó, thành lập Tổ môi trường triển khai mô hình nhằm tổ chức, duy trì các hoạt động của mô hình tại các điểm chợ. Quỹ Bảo vệ môi trường bàn giao thùng rác cho Ban Quản lý chợ nhằm thực hiện công tác thu gom rác thải tại các điểm trong khu vực chợ. Triển khai các hoạt động thuộc mô hình: Phát động thường xuyên các đợt vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường tại các điểm chợ; phát miễn phí áp phích, pano tuyên truyền, tờ rơi cho các tiểu thương treo tại các quầy hàng; khuyến khích người dân thu gom các sản phẩm tái chế như chai nhựa, vỏ lon, các vật dụng từ nhựa trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày và dùng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như làn, túi vải, túi giấy, túi tự huỷ sinh học…
Khuyến khích các đơn vị, tiểu thương kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Triển khai chương trình “Đổi rác lấy quà” với tần suất 02 tuần/lần; tiến hành tích điểm và được quy đổi ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiến hành đánh giá kết quả thu được, phân tích những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất phương án triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025” trong các năm tiếp theo đối với khu vực chợ.
Khuyến khích các đơn vị, tiểu thương kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường đối với hoạt động: Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.
Quầy đổi rác lấy quà được triển khai tại các điểm chợ. Ảnh: BH. |
Theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa,“mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần”. Có thể thấy Luật và các văn bản quy phạm phạm pháp luật, đề án, chương trình đã có nhiều quy định rõ nét và chi tiết về việc giảm thiểu loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảm thiểu các sản phẩm trên tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời Thuế bảo vệ môi trường là công cụ kinh tế chính cũng đã được áp dụng để hạn chế việc sử dụng túi ni lông.
Giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu, loại bỏ và thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại như chính sách pháp luật liên quan đến xuất, nhập khẩu và sản xuất nhựa; Xây dựng lộ trình (kế hoạch) giảm thiểu, loại bỏ và thay thế túi ni lông khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2025 và các năm tiếp theo tại Việt Nam…
Cụ thể như đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đề xuất giải pháp Hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, chuyển đổi công nghệ về quản lý sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Đưa ra quy định, tiêu chuẩn và dán nhãn nhựa sinh học; Hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường… Kiểm soát chặt việc lưu hành trên thị trường các sản phẩm làm giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu…
Đồng thời đề xuất kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra về việc sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng 1 lần sau khi áp dụng quy định cấm; Xây dựng mức xử phạt khi cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm lệnh cấm túi ni lông khó phân huỷ và nhựa dùng 1 lần; Thu đủ thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất…
Sẽ có 10 điểm trường tại Lào Cai triển khai chương trình " Tuổi trẻ Lào Cai chung tay chống rác thải nhựa" năm 2023. |
Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong việc chung tay cùng giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay, tỉnh Lào Cai cũng đồng thời thực hiện chương trình “Tuổi trẻ Lào Cai chung tay chống rác thải nhựa” tại 10 điểm trường học thuộc huyện Bắc Hà, Mường Khương.
Tại các điểm trường triển khai hoạt động tuyên truyền thông qua phương pháp treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp tại các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần về nội dung phân loại rác thải sinh hoạt trong trường học; tác hại của việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy đối với sức khỏe con người và môi trường sống; giới thiệu các biện pháp thân thiện với môi trường, một số biện pháp xử lý, tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng phục vụ hoạt động sinh hoạt, học tập và giảng dạy tại nhà trường. Nêu rõ trách nhiệm cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh trong công tác chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Triển khai các hoạt động dọn vệ sinh môi trường tại các điểm trường học; bàn giao xe gom rác và thùng đựng rác đến nhà trường phục vụ công tác thu gom rác thải. Triển khai, giới thiệu Cuộc thi “Sáng kiến môi trường - Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Triển khai Dự án xanh “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học - Tái chế rác thải cho cuộc sống thêm xanh” thông qua 05 hoạt động chính: Xây dựng Mô hình “Trường học xanh - Chung tay phân loại và tái chế rác thải - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. Tổ chức Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Ngăn chặn ô nhiễm môi trường nhựa - xây dựng môi trường xanh”.
Tổ chức chương trình ngoại khoá tại các điểm trường. Xây dựng mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích đất canh tác tại các thôn thuộc xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà. Tham quan Dự án xanh “Tái chế rác thải nhựa, ni lông làm vật liệu cấp phối tạo ra các tấm tường (trần) nhà cách âm, cách nhiệt thân thiện với môi trường” tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà - Đây là dự án tiêu biểu tham dự Cuộc thi Sáng kiến môi trường “Chống rác thải nhựa” do Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai tổ chức.
Nguồn:Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần