Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại đô thị
Kiểm soát chặt chẽ xả thải trong phát triển du lịch Rác thải nhựa vấn đề lớn hiện nay |
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Vì thế, việc quan trọng là phải có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Theo ước tính, khoảng 60% chất thải nhựa trên toàn cầu có nguồn gốc từ các đô thị.
Theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị, 1,3 triệu tấn ở nông thôn) và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn (1,55 triệu tấn ở đô thị, 0,85 triệu tấn ở nông thôn). Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn.
Nhận thức rõ được sự cấp thiết của vấn đề ô nhiễm nhựa, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng này, như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Kế hoạch hành động đề cập đến việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tăng cường thu gom và xử lý rác thải nhựa và kiểm soát nguồn rò rỉ nhựa cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ liên quan đến vấn đề chất thải nhựa
Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; thúc đẩy các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm chứa vi nhựa và kiểm soát nhập khẩu phế liệu nhựa; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); phân loại tại nguồn và thu phí rác theo khối lượng.
Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam tập trung vào thu gom, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa vào năm 2025. Đề án đặt ra yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện xây dựng chính sách, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sửa đổi thuế và kiểm soát nhập khẩu nhựa phế liệu, trong khi yêu cầu các tỉnh và thành phố xây dựng kế hoạch quản lý chất thải nhựa tại mỗi địa phương.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó có thu gom, phân loại rác thải nhựa được các địa phương đẩy mạnh triển khai. |
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể.
Trong đó, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt và triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh, thành phố đã thu được những kết quả quan trọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên như: Các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF - Việt Nam tài trợ. Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm Chủ dự án.
Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) bao gồm: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng), Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Tỉnh Long An, Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Tỉnh Phú Yên, dựa trên chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF, để có thể làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc, cũng như quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng rác thải nhựa tồn đọng tại 3 khu bảo tồn biển quan trọng: Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc.
Thành phố Huế đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường thông qua các giải pháp phân loại rác, đổi rác lấy quà, tuyên truyền... |
Bên cạnh đó, Chương trình “Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam” đã được triển khai từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến Mô hình Đô thị giảm nhựa (PSC) - một sáng kiến toàn cầu của WWF. Đến nay, có 10 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với WWF để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình PSC.
Thành phố Huế là một trong số 8 đô thị tham gia vào Chương trình Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Theo đó, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 thì thành phố Huế sẽ giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Huế có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Hiện nay, khu vực này đang chịu áp lực bởi rác thải từ các hoạt động của cư dân sinh sống dọc sông Hương và các vùng lân cận xung quanh thành phố. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố Huế ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.
Tính đến tháng 7/2023, có 24/36 phường, xã thuộc địa bàn thành phố Huế được triển khai và hướng dẫn quy trình phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó, kết nối với các hội đoàn thể và các tổ chức liên quan, gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân thành phố, Hội Nghề cá và BQL Cảng cá tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố và các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác thải tại nguồn (PLRTN) và giảm thiểu rác thải nhựa.
Thành phố Huế đã lắp đặt 468 thùng lưu chứa, phân loại chất thải rắn tại 156 điểm công cộng tại 23 phường xã trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát. Ngoài ra, dự án hỗ trợ lắp đặt 30 camera giám sát, tránh tình trạng người dân xả rác, phân loại rác không đúng quy định. Tại các địa phương trên địa bàn như: An Đông, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Thuỷ Xuân,… các thùng lưu chứa rác đã được phân bổ về, những lớp tập huấn hướng dẫn chương trình phân loại CTRSH tại nguồn được tổ chức cho các ban ngành, đoàn thể, từ đó đưa các nội dung này đến từng tổ dân phố, người dân để triển khai thực, các phong trào “5 không 3 sạch”, “Đổi rác lấy quà”, “Thu gom rác thải nhựa tạo quỹ nhân ái”,… tiếp tục được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Theo đánh giá của Cục Biển và Hải đảo, các hoạt động của dự án trên, trong thời gian qua đã đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.” Chương trình “Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam” mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song những nỗ lực của các địa phương đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ trong công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa.
Nguồn:Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại đô thị