Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm vi phạm đất đai của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng
Phản ánh tới chúng tôi , một số hộ dân sinh sống tại ngõ 34 đường Xuân La (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, năm 1991 đền Sóc được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, một phần khuôn viên di tích đã bị biến thành trung tâm đào tạo lái xe, nơi trông giữ phương tiện cá nhân của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự cũng như làm ảnh hưởng cảnh quan di tích gây bức xúc dư luận nhân dân.
Tìm hiểu của phóng viên chúng tôi được biết, ngày 26/12/2000, đại diện Tiểu ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Sóc đã ký kết hợp đồng cho thuê sân bãi với đại diện Trung tâm đào tạo Lạc Hồng. Theo đó, trung tâm này được tạm sử dụng sân bãi phía Đông ngôi đền và 4 gian nhà hành lang phía Tây để làm lớp học và sân bãi tập, đào tạo lái xe; sử dụng dãy nhà hành lang phía Đông để làm nơi tiếp khách, giao dịch. Thời hạn cho thuê là 02 năm và Trung tâm đào tạo Lạc Hồng có trách nhiệm đóng góp kinh phí cụ thể là 18 triệu đồng cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo hai bên thống nhất sau. Thời điểm đó, hợp đồng cho sự xác nhận của chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh.
Phần diện tịch đền Sóc (khoanh đỏ) bị Trung tâm Đào tạo Lạc Hồng sử dụng sai mục đích |
Trung tâm đào tạo Lạc Hồng từ đó tiếp tục sử dụng, cải tạo cơ sở vật chất hiện có và thường xuyên ký lại các hợp đồng thuê mượn sân bãi mỗi khi hợp đồng cũ hết hạn. Ngày 20/5/2013, đại diện Ban di tích lịch sử văn hóa đền Sóc là ông Nguyễn Thừa Tích đã ký kết biên bản cho mượn sân bãi với đại diện Trung tâm đào tạo Lạc Hồng. Theo đó, trung tâm này được sử dụng mặt bằng sân phía đông đền Sóc có diện tích gần 3.000 m2 để làm phòng làm việc của cơ quan, phòng học và sân bãi để xe. Thời hạn thuê là 15 năm và Trung tâm đào tạo Lạc Hồng có trách nhiệm đóng góp cho ban quản lý di tích 60 triệu đồng/năm. Biên bản cho thuê sân bãi này có xác nhận của chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh khi đó là ông Nguyễn Hữu Khiêm (hiện ông này đang chấp hành án phạt tù trong một vụ án khác - PV).
Tuy nhiên, nhận thấy việc cho thuê sân bãi này là trái quy định của pháp luật nên từ năm 2015 đến năm 2017, UBND phường Xuân Tảo nhiều lần thông báo chấm dứt việc cho mượn sân bãi tại Khu di tích đền Sóc, yêu cầu Trung tâm đào tạo Lạc Hồng phải di dời toàn bộ trang thiết bị, nhà xưởng, dụng cụ giảng dạy và các tài sản khác ra khỏi khuôn viên đất thuộc khu vực di tích. Ban đầu Trung tâm đào tạo Lạc Hồng đồng ý trả lại khu đất nhưng xin gia hạn thời hạn di chuyển, chậm nhất là trong tháng 6/2017 sẽ hoàn thành việc di dời. Tuy nhiên đến nay, trung tâm này vẫn chưa hoàn trả lại khu đất như cam kết và vẫn tiếp tục sử dụng một phần đất di tích sai mục đích.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Xuân Quyết, công chức văn hóa – xã hội phường Xuân Tảo thừa nhận thực trạng Trung tâm đào tạo Lạc Hồng đang sử dụng đất di tích sai mục đích. Ông Quyết cho biết: “Hợp đồng cho thuê mượn sân bãi giữa Ban di tích lịch sử văn hóa đền Sóc và Trung tâm đào tạo Lạc Hồng là trái quy định pháp luật. Vì thế mấy năm qua, phường đã phối hợp chặt chẽ với quận Bắc Từ Liêm để tập trung xử lý dứt điểm vi phạm. Nhiều cuộc họp giữa các bên đã được tổ chức, nhiều văn bản đã được ban hành nhưng cuối cùng sự việc vẫn chưa xử lý được do phía trung tâm không hợp tác”.
Lối vào cổng chính Trung tâm Đào tạo Lạc Hồng hiện nay |
Cũng theo vị công chức văn hóa – xã hội này thì vướng mắc lớn nhất hiện nay là thẩm quyền xử lý vụ việc khi cho rằng: “Vừa rồi phường cũng quyết tâm làm quy trình xử lý vi phạm theo đúng quy định nhưng đối với hành vi sử dụng đất di tích lịch sử văn hóa quốc gia sai mục đích như thế này thì thẩm quyền xử lý lại thuộc về UBND TP. Hà Nội. Chúng tôi đã nhiều lần có báo cáo gửi quận Bắc Từ Liêm, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa có kết quả. Sắp tới đây, UBND quận Bắc Từ Liêm sẽ có văn bản báo cáo và xin ý kiến thành phố để làm quy trình xử lý dứt điểm những vi phạm này”.
Nhằm thông tin khách quan sự việc, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến Trung tâm đào tạo Lạc Hồng để liên hệ làm việc. Tuy nhiên đến nay trung tâm này vẫn chưa phản hồi thông tin.
Trước thực trạng nêu trên, Báo Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP. Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với Trung tâm Đào tạo Lạc Hồng, các tổ chức, cá nhân có liên quan để trả lại đất di tích lịch sử đền Sóc, tránh gây bức xúc dư luận nhân dân.
Nguồn: Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm vi phạm đất đai của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng