Lễ hội Đền Hùng - Cơ hội vàng cho Phú Thọ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Trong không khí thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Phú Thọ đang tận dụng tối đa cơ hội từ Lễ hội Đền Hùng để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP.
![]() |
Sản phẩm Chè Phú Thọ được trưng bày tại Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2025 |
OCOP – Lợi thế trong phát triển nông nghiệp địa phương
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang trở thành hướng đi chiến lược trong phát triển nông nghiệp nông thôn tại Phú Thọ.
Nhờ đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2024, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận nhiều sản phẩm nông nghiệp mới được công nhận đạt chuẩn, đồng thời nhiều sản phẩm hiện có cũng được nâng hạng sao. Đáng chú ý, một số huyện trong tỉnh đã đạt tỷ lệ 100% xã có sản phẩm OCOP. Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị tổng kết chương trình OCOP năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ tổ chức ngày 24/12.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, toàn tỉnh có thêm 99 sản phẩm OCOP mới được công nhận. Trong đó, 94 sản phẩm đạt hạng 3 sao do UBND cấp huyện phê duyệt, 5 sản phẩm đạt hạng 4 sao do UBND tỉnh công nhận.
Tính lũy kế đến hết năm 2024, Phú Thọ đã có tổng cộng 306 sản phẩm, chủ yếu là nhóm sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 49 sản phẩm 4 sao và 256 sản phẩm 3 sao. Huyện Thanh Sơn hiện đang dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với 33 sản phẩm, trong đó có tới 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao, cao nhất trong các địa phương.
![]() |
Mì gạo Hùng Lô đạt chuẩn OCOP 4 sao |
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang đậm bản sắc vùng miền Phú Thọ đã tạo được chỗ đứng trên thị trường như: chè Phú Hộ (TX. Phú Thọ), bưởi Đoan Hùng, gạo nếp Gà Gáy (Yên Lập), miến dong Hạ Hòa, mì gạo Hùng Lô, mật ong Thanh Sơn, bánh chưng gù và rượu nếp cẩm Thanh Ba. Các sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn được chú trọng trong khâu bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và gắn với những câu chuyện văn hóa đặc sắc, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu.
Lễ hội Đền Hùng – Cơ hội vàng để quảng bá OCOP
Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước về với vùng đất cội nguồn. Năm nay, tỉnh Phú Thọ tổ chức chuỗi sự kiện lễ hội kéo dài từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, du lịch quy mô lớn.
Nắm bắt thời cơ quý báu này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đồng loạt triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP một cách đồng bộ. Đặc biệt là chương trình Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2025 tại Sân vận động Bảo Đà (TP. Việt Trì) với hơn 250 gian hàng. Trong đó, hơn 150 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và khu vực triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
![]() |
Hội chợ với điểm nhấn là gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ |
Các gian hàng giới thiệu nông sản, đặc sản OCOP được bố trí khoa học tại nhiều địa điểm như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sân vận động Bảo Đà, Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang (TP. Việt Trì) giúp du khách dễ dàng tiếp cận với sản phẩm.
Đến với mỗi gian hàng, du khách có cơ hội được trải nghiệm trực tiếp đặc sản địa phương cùng với sự tiếp đón, tư vấn nhiệt tình của các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Kết nối tiêu thụ – Lan tỏa giá trị văn hóa
Một điểm sáng trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại năm nay của tỉnh Phú Thọ là sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, sàn TMĐT, gian hàng đại diện các tỉnh bạn và các nhà đầu tư. Đây là cơ hội quan trọng để các chủ thể OCOP của Phú Thọ mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất và liên kết chuỗi giá trị.
Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh đã phối hợp hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu, hoàn thiện bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa sản phẩm để tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại.
![]() |
Sản phẩm Chè Hoài Trung được thiết kế bao bì mang đậm bản sắc vùng văn hóa Đất Tổ Vua Hùng |
Việc lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại nông sản OCOP vào không gian lễ hội không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn góp phần khẳng định vai trò của nông sản trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện gắn với đất đai và con người vùng đất Tổ. Thông qua các hoạt động lễ hội, du khách không chỉ tham gia các nghi lễ, trò chơi dân gian, mà còn được thưởng thức tinh hoa ẩm thực, mang hương vị quê hương Phú Thọ về khắp mọi miền.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nông sản địa phương nếu biết cách “kể chuyện”, xây dựng thương hiệu và quảng bá đúng lúc, đúng nơi, như trong dịp lễ hội Đền Hùng, chắc chắn sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đây không chỉ là hoạt động mang tính kinh tế, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới trong việc đưa nông sản địa phương vươn xa, gắn kết hài hòa giữa “kinh tế nông thôn” và “bản sắc văn hóa vùng đất Tổ”.
Nguồn:Lễ hội Đền Hùng - Cơ hội vàng cho Phú Thọ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
U17 Thái Lan trắng tay tại giải châu Á, huấn luyện viên nói điều cay đắng

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hướng tới mục tiêu đạt 65 tỷ USD

Quảng bá di sản vịnh Hạ Long qua MV 'Victory - Bond in Vietnam'

Điểm tin ngân hàng ngày 10/4: Ngân hàng bơm gần 1,1 triệu tỷ đồng vào bất động sản TP.HCM

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 10/4: Hơn 1.000 dự án bất động sản ách tắc, 30 tỷ USD bị "đóng băng"
