Hà Nội: Phát triển giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Giao thông xanh là sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng các phương tiện xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện…chính là tham gia giao thông xanh.
Hiện nay, các khu đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khí thải nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Khí thải từ hệ thống giao thông đô thị là vấn đề cần được chú trọng khi nó gây ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Hiện nay, các khu đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. |
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đến tháng 11/2023 thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Mỗi năm thành phố Hà Nội tăng khoảng 390.0000 phương tiện giao thông, chủ yếu là loại phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt xả thải ra môi trường. Trong những năm gần đây tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp. Trong đó, phương tiện giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.
Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí (IQAir) xếp Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao. Trước thực trạng này, TP. Hà Nội đã có những bước đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe đạp công cộng.
Trước đó, vào ngày 21/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội chính thức lăn bánh. Đến nay, thành phố đã cho phép đưa vào khai thác 10 tuyến buýt điện từ E01 đến E10. Thời gian qua, 10 tuyến xe buýt điện đang hoạt động đã được người dân đánh giá cao về cả chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện. Nhiều người cho rằng, xe buýt điện là bước đột phá mới làm thay đổi diện mạo của vận tải hành khách khách công cộng.
Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, chị Hà Anh - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: Do đặc thù công việc phải di chuyển xa nên đã chọn sử dụng phương tiện công cộng “mặc dù tần suất hạn chế về mặt thời gian, nhưng khi di chuyển bằng phương tiện công cộng chị cảm thấy an toàn hơn. Theo chị Hà Anh việc đi lại bằng phương tiện công cộng giúp giảm thiểu khói bụi ra môi trường từ phương tiện lưu thông của mình, từ đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo vệ bầu không khí được tốt hơn.
Chị Hà Anh cho biết thêm: “Xe buýt điện VinBus có độ văn minh lịch sự cao, trong quá trình đón trả khách bình tĩnh hơn với các loại xe buýt thông thường bị vội về lịch trình thời gian và bị áp tần suất giờ quá nhiều khiến cho hành khách sử dụng gặp nhiều trở ngại đặc biệt đối với người già và người khuyết tật”.
Xe buýt điện đang trở thành phương tiện giao thông công cộng được nhiều người lựa chọn để di chuyển. |
Đồng quan điểm, bạn Thu Quỳnh (Chương Mỹ, Hà Nội), sinh viên trường Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông thường xuyên sử dụng xe buýt để di chuyển do nhà ở khá xa trường chia sẻ: “Mình cảm thấy phương tiện công cộng rất tuyệt vời, giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu khói bụi, giá thành rẻ phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Nhưng hiện nay lượng xe buýt điện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân”...
UBND TP. Hà Nội vừa trình HĐND thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Theo Đề án, Hà Nội đặt mục tiêu 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.
Từ thực tế của thành phố, Sở GTVT Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe - 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ - 47.000 tỷ và 43.000 tỷ đồng.
Sở GTVT đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện). Hiện nay Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của Hà Nội được xây dựng dựa trên Quyết định 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030. Trong đó, với lĩnh vực giao thông đô thị, đặt mục tiêu từ năm 2025 thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại thủ đô Hà Nội. Đề án cũng là nhằm góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ nước ta là đưa phát ròng về 0 vào năm 2050.
Phương tiện xe đạp công cộng được đưa vào vận hành trên địa bàn thành phố. |
Cùng với việc chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội triển khai thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp phục vụ cho người dân đô thị tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến đô thị Cát Linh-Hà Đông, cho thấy sự liên kết chặt chẽ trong mạng lưới giao thông công cộng, tạo lên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi, hợp lý.
Sở GTVT Hà Nội, đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng phương tiện xe đạp công cộng để kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng đường sắt đô thị, xe buýt, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tới đây, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để nghiên cứu bố trí thêm làn đường dành riêng cho xe đạp trên những tuyến đường đủ điều kiện.
Theo các chuyên gia, để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường với mạng lưới giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên chính là chính sách đầu tư. Các loại hình vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch không chỉ bổ trợ cho nhau về tính kết nối, mà còn góp phần giảm lượng khí thải và tiếng ồn giúp cải thiện chất lượng không khí và môi trường xung quanh, từ đó hình thành một hệ sinh thái của giao thông xanh. Thành phố Hà Nội đã đi đúng hướng với việc đẩy mạnh giao thông xanh. Qua quá trình nhìn nhận cho thấy hiện nay nhiều người dân đang chuyển hướng tin dùng sản phẩm xe máy điện, ô tô điện tăng rất lớn.
Cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông xanh, Sở GTVT Hà Nội cần có chính sách sáng tạo đổi mới trong việc vận hành, quản lý. Tạo cơ hội để người dân và các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận đến các phương tiện chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Bên cạnh đó Hà Nội cần có thêm nhiều chính sách đầu tư thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các loại hình phương tiện xanh. Có như vậy, ngành vận tải hành khách công cộng mới thực sự thu hút khách và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng giao thông xanh cho Thủ đô.
Nguồn: Hà Nội: Phát triển giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường