Hà Nội: Quận Hai Bà Trưng thực hiện thí điểm quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt
Theo đó, lãnh đạo UBND Quận Hai Bà Trưng khẳng định, việc quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời sản phẩm, vật liệu; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Đồng thời, thiết lập mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, KT - XH của quận; quản lý tốt nguồn chất thải, tái sử dụng hiệu quả; giảm lượng rác thải chôn lấp, xử lý, tiết kiệm kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ngoài ra, việc sử dụng kế hoạch thu gom chất thải rắn sinh hoạt qua loại túi tiêu chuẩn sẽ làm cơ sở tiền đề cho việc trả phí theo lượng thải khi có văn bản hướng dẫn áp dụng tính giá theo lượng thải của Thành phố.
UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành kế hoạch về thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024 - 2025” |
Cụ thể, kế hoạch thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024-2025” được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025), sẽ xây dựng kế hoạch thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, triển khai kế hoạch thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 4 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng tái chế, chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2026), sau quá trình đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp sẽ triển khai đồng bộ trên địa bàn quận.
UBND quận cũng hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 4 nhóm, bao gồm:
Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm các loại giấy, nhựa, kim loại...).
Nhóm chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực...).
Nhóm chất thải cồng kềnh (vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác, gốc cây, thân cây, cành cây...).
Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại (gồm chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác - gọi tắt là chất thải rắn sinh hoạt).
Trong đó, đối với loại chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế, trước khi phân loại, khuyến khích giảm sử dụng và tái sử dụng, giữ khô và sạch, đựng trong bao bì có sẵn hoặc túi trong suốt để có thể nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.
Đối với những chất thải cồng kềnh, cần làm gọn, giảm kích thước để phân loại thành nhóm chất thải có thể tái chế, tái sử dụng và nhóm chất thải rắn sinh hoạt còn lại; tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị có thu gom chất thải này vận chuyển đến địa điểm tập kết quy định.
Đối với nhóm rác thải nguy hại, trước khi phân loại, đề nghị không để lẫn những loại chất thải khác; khuyến khích tận dụng túi, hộp có sẵn để lưu trữ.
Đối với những loại chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại, cần làm ráo nước và làm gọn cành cây, chất thải vườn có kích thước lớn; đựng vào bao bì riêng, túi tiêu chuẩn và buộc chặt miệng túi trước khi thải bỏ.
Nguồn: Hà Nội: Quận Hai Bà Trưng thực hiện thí điểm quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt