Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, nỗ lực giải bài toán thiếu công viên
Cảnh báo lốc, sét, gió giật mạnh trong mưa dông ở Hà Nội Phát triển hệ thống cây xanh đô thị, nâng cao chất lượng môi trường |
Mô hình thiết kế công viên, hồ Long Biên. (Ảnh: TTXVN phát) |
Thiếu công gian công cộng và chỗ vui chơi, giải trí cho người dân luôn là vấn đề cấp thiết và được bàn luận nhiều năm qua. Không ít nơi mọc lên các khu đô thị, chung cư chưa được chú trọng hạ tầng, không gian công cộng và mật độ dân cư, dẫn tới cư dân sống trong môi trường chật hẹp.
Bên cạnh đó, nhiều nơi cũng được xây dựng công viên nhưng lại sử dụng không có hiệu quả, thậm chí bị biến tướng khai thác nghiêng về kinh doanh, lợi nhuận. “Cha chung không ai khóc," nhiều nơi đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, chủ thể của công viên là người dân lại không được thụ hưởng một cách đúng nghĩa.
Không chỉ công viên, ngay cả vỉa hè, đường ven hồ, những ghế đá công cộng cũng bị lấn chiếm thành những nơi bán trà đá gây phản cảm, ô nhiễm môi trường rác thải.
Đó là những thực trạng mà người dân sống ở Hà Nội dễ nhận thấy và chính quyền Thủ đô cũng đã thấy bất cập, khó khăn và nhiều lần quyết tâm quản lý hiệu quả.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra, còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án các khu đô thị quản lý.
Có thể kể tên một số công viên lớn, quen thuộc với người dân do thành phố quản lý như Bách Thảo, Thủ Lệ, Lê Ninh, Thống Nhất, Hòa Bình. Toàn bộ hệ thống công viên nêu trên hiện nay chủ yếu phục vụ công ích, người dân ra vào không thu vé.
Với 5 công viên do cấp thành phố quản lý thì có 4 công viên nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình.
Còn ở công viên cấp huyện quản lý, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn đến năm 2025; trong đó, thành phố sẽ cải tạo nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận.
Tới đây, thành phố đẩy nhanh xây mới 9 công viên lớn gồm Công viên Chu Văn An gần 51ha thuộc huyện Thanh Trì; công viên Kim Quy 99ha ở huyện Đông Anh; công viên văn hóa vui chơi giải trí thể thao quận Hà Đông 96,7ha; công viên CV1 gần 28ha quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội 10ha quận Cầu Giấy; công viên Phùng Khoang gần 12ha, quận Nam Từ Liêm…
Đó là những kế hoạch mà tới đây thành phố Hà Nội sẽ phải rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để giải bài toán thiếu công viên và công viên xuống cấp.
Khu ao số 3 thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, từ chỗ vi phạm trật tự xây dựng, đã được xây dựng thành công viên - nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN) |
Còn trong thời gian qua, thành phố cũng tích cực cải tạo, nâng cấp 41 công viên cấp huyện quản lý. Quận Tây Hồ cải tạo được 3/5 điểm xung quanh vườn hoa Hồ Trúc Bạch phuc vụ tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc, Ngũ Xã. Quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng vườn hoa Diên Hồng. Quận Long Biên đã khởi công xây dựng vườn hoa Ngọc Lâm dự kiến hoàn thành tháng 6/2023.
Ủy ban Nhân dân các quận huyện đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện cải tạo 11 vườn hoa và 1 công viên gồm vườn hoa Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, vườn hoa 19/8 (Hoàn Kiếm); vườn hoa Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng và Thành Công (Ba Đình); vườn hoa Lý Tự Trọng (Tây Hồ); các vườn hoa Pasteur, Yec Xanh, Tăng Bạt Hồ 1-2 (Hai Bà Trưng).
Theo chỉ đạo của thành phố đối với 4 công viên do thành phố quản lý, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành triển khai hiện công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất.
Theo dự án, công viên Bách Thảo sẽ có quy mô khoảng 10ha; Công viên Thống Nhất có quy mô khoảng 55,7ha; Công viên Thủ Lệ (Vườn thú Hà Nội) có diện tích 18,7ha; (riêng diện tích hồ khoảng 8,7ha).
Dự kiến cải tạo đồng bộ theo quy hoạch kết hợp một phần không gian đóng và một phần không gian mở kết nối quảng trường ga đường sắt tuyến Nhổn-Ga Hà Nội, tiến độ hoàn thành báo cáo đề xuất trong năm 2023.
Công viên Thống Nhất sau khi tháo bỏ hàng rào. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư xây mới 9 công viên nêu trên.
Tuy nhiên, việc triển khai gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn Công viên Văn hóa Kim Quy, huyện Đông Anh (99ha) do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn Mặt Trời. Tiến độ dự án, khởi công quý 4/2020, dự kiến hoàn thành quý 3/2022.
Hiện nay, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 99,6ha, đang nạo vét hữu cơ và làm kè sông Thiếp song dự án bị chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng: vướng di chuyển hoàn trả kênh D4; khu đất nghĩa trang thôn Ngọc Chi (48 ngôi mộ của 07 hộ chưa di chuyển); di chuyển, hạ ngầm đường điện 110kV (khoảng 450m); đường điện 35kV (khoảng 3.910m); đường điện 22kV (khoảng 2.126m). Vì vậy, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án quý 4/2024.
Các công viên lớn khác hiện nay chủ yếu đang gặp khó khăn vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh vốn bao gồm Công viên Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội, quận Cầu Giấy; Công viên Chu Văn An (dự án 2-công trình kiến trúc), huyện Thanh Trì; Công viên Thiên văn học-Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông; Công viên hồ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm; Công viên Văn hóa-Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông; Công viên Thiên văn học-Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông. Công viên Hữu nghị quận Bắc Từ Liêm.
Trước tình hình trên, để tháo gỡ vướng mắc, tìm lời giải cho bài toán thiếu công viên Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo, đối với các công viên hiện có, tập trung nguồn lực khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo Kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề.
Đối với các dự án đầu tư công viên, vườn hoa, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ngành thành phố đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án công viên tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành việc đầu tư để đưa công viên vào sử dụng, phục vụ nhân dân.
Đối với các dự án xã hội hóa, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư các công viên, vườn hoa theo dự án đầu tư đã được phê duyệt. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, sẽ thực hiện việc thu hồi giấy phép đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển đầu tư công.
Đối với các công viên trong phạm vi các khu đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ngành thành phố đôn đốc chủ đầu tư khu đô thị hoàn thành công tác đầu tư và bàn giao công trình đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố đang đề xuất Chính phủ giao các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng căn cứ chức năng nhiệm vụ hướng dẫn thành phố Hà Nội thực hiện về hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa để thành phố Hà Nội kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống công viên theo quy hoạch.
Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Đối với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng (chỉ đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ công viên) tăng diện tích cây xanh (bổ sung những khu vực trồng cây xanh tập trung...) giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu duy trì sẽ thực hiện đầu tư bằng đầu tư công.
Nguồn:Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, nỗ lực giải bài toán thiếu công viên