Hải Dương nâng cao hiệu quả phân loại, xử lý rác thải tại nguồn
Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Dương, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.282 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tăng 12 tấn/ngày so với năm 2020. Trong đó, rác thải khu vực đô thị hơn 600 tấn/ngày; rác thải khu vực nông thôn 681 tấn/ngày. Hiện nay tại khu vực đô thị có 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã và 5 công ty thu gom rác; tỷ lệ thu gom chất thải của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đạt 90%, và các khu vực đô thị khác đạt 85%.
Tại khu vực nông thôn có hơn 1000 đơn vị, 985 tổ, đội và 11 công ty cùng 7 hợp tác xã thu gom rác. Tỷ lệ thu gom chất thải đạt khoảng 85%. Hiện việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp chiếm 61%, đốt là 39%; toàn tỉnh hiện có 631 bãi chôn lấp rác thải, tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 3,2 triệu tấn. Từ lâu, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập ở tất cả các công đoạn, từ việc phân loại rác tại nguồn, đưa rác ra điểm tập kết, thu gom, đến vận chuyển, xử lý.
Để giải quyết vấn đề về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi cả chính quyền, địa phương và người dân cùng tích cực chung tay, thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đó là đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác. Triển khai đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Dương đã phát hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn.
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải tại các địa phương. |
Theo mục tiêu đề án, Hải Dương đã áp dụng mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 22 xã, trong đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm tại 2 xã (trừ TP.Hải Dương) trong thời gian 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023. Đến hết năm 2023 Hải Dương đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn rải rác trên địa bàn 41 xã với tổng số khoảng 50.400 hộ tham gia. Trong đó riêng huyện Nam Sách triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên quy mô toàn huyện với 40.918 hộ; còn lại là các hộ trên địa bàn huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Miện…
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện rà soát lại các bãi chôn lấp chất thải và điểm trung chuyển. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá sơ bộ về hiệu quả của việc phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Nam Sách, trên cơ sở đó sẽ tham mưu nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trong thời gian tới để phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương có ít nhất 50% số hộ nông thôn phân loại chất thải tại nguồn.
Năm 2024, huyện Nam Sách sẽ hỗ trợ gần 5,1 tỷ đồng cho cấp xã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Huyện Nam Sách sẽ hỗ trợ hơn 4,2 tỷ đồng cho kinh phí vận chuyển và xử lý rác vô cơ (vận chuyển, đốt rác sau phân loại); hơn 456 triệu đồng kinh phí mua chế phẩm thực hiện ủ rác hữu cơ sau phân loại và 374 triệu đồng hỗ trợ công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Thời gian hỗ trợ trong năm 2024 từ ngân sách huyện và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Theo UBND huyện Nam Sách, kinh phí vận chuyển và xử lý rác vô cơ sau phân loại trong toàn huyện là trên 6 tỷ đồng/năm. Điều kiện ngân sách của các xã, thị trấn còn khó khăn và phí thu từ các hộ dân chưa thể đáp ứng đủ để chi trả. Vì vậy, từ giữa năm 2022 đến nay, thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn huyện, ngân sách huyện phải hỗ trợ phần lớn kinh phí cho các xã, thị trấn.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, việc triển khai công tác phân loại rác thải nguồn được các cấp Hội phụ nữ đẩy mạnh triển khai. Theo báo cáo của Hội Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 10/12 huyện, thị xã, thành phố với 71 mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh. Cách làm đơn giản, có thể tự pha trộn tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp là những lợi ích mà mô hình này đem lại. Việc sử dụng men vi sinh IMO này giúp rút ngắn thời gian phân hủy rác hữu cơ.
Năm 2023, Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng cũng chọn Chi hội Phụ nữ thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn để ra mắt mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh với 30 thành viên. Hội đã hướng dẫn các thành viên cách phân loại rác sinh hoạt, quy trình pha trộn men vi sinh IMO và cách ứng dụng men IMO trong sinh hoạt, sản xuất, chăm bón cây trồng… Từ hiệu quả mô hình đem lại, đến nay, 100% hội phụ nữ các xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng đã xây dựng được mô hình điểm hưởng ứng.
Các thành viên đã tự làm men vi sinh IMO dùng ủ rác thải hữu cơ, thu nước rỉ để làm nước tưới cây trồng, phun khử khuẩn chuồng trại. Nhiều hộ thí điểm sử dụng nước làm phân tưới cho rau màu, cây ăn quả. Có hộ dùng khử mùi làm sạch chuồng trại chăn nuôi, bồn rửa, hố ga, cống rãnh, làm sạch ao nuôi cá… Trong năm 2024, Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng tiếp tục nhân rộng mô hình trong các bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn để xử lý lượng rác hữu cơ lớn.
Hội Phụ nữ phường Tân Dân hướng dẫn các thành viên trong mô hình tự trộn rác thải với men vi sinh IMO tạo phân bón. |
Hiện nay, mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh IMO để ủ rác thải hữu cơ tại nhà vừa giúp nhanh phân hủy rác, không gây mùi hôi thối, còn có thể tái chế thành phân bón cho cây trồng. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mang lại hiệu quả cao. Tại huyện Tứ Kỳ hiện có 16/23 xã, thị trấn thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh. Mô hình sử dụng men vi sinh IMO của Hội phụ nữ đã triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kép, giảm lượng rác thải ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đây cũng là hướng đi mới gợi mở đề xuất giải pháp trong bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Gần đây nhất là hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, Nhóm 1 là Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thuỷ tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; Thực phẩm hết hạn sử dụng; Các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; Các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thuỷ, hải sản. Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.
Triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, các địa phương đang ban hành các văn bản quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Dựa trên văn bản hướng dẫn phân loại rác của Bộ, địa phương căn cứ để xây dựng hướng dẫn riêng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cùng với đó là sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật hay không. Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tiến hành và đề nghị các địa phương tiến hành đồng thời việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Bộ sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định. Thông qua chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.
Nguồn:Hải Dương nâng cao hiệu quả phân loại, xử lý rác thải tại nguồn