Hạn hán gia tăng gấp 20 lần do biến đổi khí hậu
Các sông băng tại Thụy Sĩ đang tan nhanh kỷ lục Nỗi lo về biến đổi khí hậu đằng sau bão Ian và Noru |
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) cho biết, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ khô hạn gấp 5 lần ở lớp đất dày 7cm trên khắp Bắc bán cầu. Đặc biệt trong mùa Hè, nguy cơ này gia tăng lên ít nhất 20 lần ở tầng lớp đất dày 1 mét.
Các nhà nghiên cứu của WWA cho biết, nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, hạn hán sẽ chỉ xuất hiện 400 năm một lần tại Bắc bán cầu. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu hiện nay khiến tần suất xảy ra hạn hán mùa Hè ở Bắc bán cầu là 20 năm 1 lần, rút ngắn hơn nhiều so với tần suất 400 năm 1 lần vào giữa thế kỷ 18.
Để tìm ra ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tình trạng khô hạn ở Bắc bán cầu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết, mô phỏng máy tính và độ ẩm của đất ở khắp các khu vực, không bao gồm các khu vực nhiệt đới. Họ phát hiện, biến đổi khí hậu khiến tình trạng đất khô hạn có khả năng xảy ra nhiều hơn trong vài tháng qua.
Hạn hán gia tăng mức độ nghiêm trọng khiến các con sông lớn ở châu Âu cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Ảnh: Reuters |
Theo nghiên cứu của WWA, 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm nóng nhất ở châu Âu kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ của châu lục bắt đầu được ghi chép. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC), hạn hán năm nay tại châu Âu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây. Tình trạng hạn hán thể hiện rõ ở Italia, vùng đông nam và tây bắc nước Pháp, đông Đức, Đông Âu, nam Na Uy và các vùng rộng lớn của khu vực Balkan.
Theo báo cáo của JRC, dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hoa hướng dương của EU thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua. Thiếu mưa nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hầu hết các con sông trên khắp châu Âu. Điều này đã gây ra “tác động nghiêm trọng” đến ngành năng lượng. Nắng nóng khắc nghiệt đã làm giảm lượng nước và làm mất khả năng hoạt động của các nhà máy thủy điện trên khắp châu Âu.
Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc, đợt nắng nóng kỷ lục cùng mùa hè khô hạn đã dẫn tới cháy rừng, gây hư hại mùa màng và ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng. Nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra hạn hán trên diện rộng ở các vùng dọc sông Dương Tử, Tây Nam Trung Quốc, miền Đông và Trung Tây Tạng.
Nắng nóng dai dẳng và hạn hán đã gây ra cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước và nguồn cung cấp điện. Dương Tử là con sông lớn thứ ba thế giới, cung cấp nước uống cho hơn 400 triệu người dân Trung Quốc và là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước này.
Báo cáo thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục được thiết lập vào năm 2016 trong vòng 5 năm tới. Theo ước tính của WMO, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất từ năm 2018 đến giữa năm 2022 cao hơn khoảng 1,17 độ C so với mức trung bình năm 1850-1900. Giai đoạn 2018-2022 ghi nhận lượng nhiệt tích trữ trong đại dương đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào khác.
Nguồn: Hạn hán gia tăng gấp 20 lần do biến đổi khí hậu