Hậu Giang: Cần bám sát vào Quy định tiêu chí khi lựa chọn nhà đầu tư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại buổi làm việc. |
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong năm qua, Sở Công thương cho biết, về triển khai thực hiện Kế hoạch vốn phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là 1.559 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, đã thực hiện được 3,68/9 tỉ đồng vốn thực hiện quy hoạch chi tiết; vốn giải phóng mặt bằng đầu tư 50 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương đối với dự án Mở rộng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, diện tích 11,5ha. Kết quả đã bố trí hơn 48,9 tỉ đồng để thực hiện chi trả bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư, đã triển khai thực hiện công tác GPMB Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu, giai đoạn 1; KCN Tân Phú Thạnh, giai đoạn 1 và các dự án hạ tầng kỹ thuật mới như: Khu tái định cư Đông Phú phục vụ KCN Sông Hậu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, giai đoạn 3; Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2. Kết quả đã chi trả bồi thường cho 947 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích là 93,2ha.
Về công tác triển khai các dự án giao thông phục vụ công nghiệp, trong năm 2022, đã khởi công dự án Đường tỉnh 925B (đoạn từ xã Vị Thủy đến xã Vĩnh Thuận Tây); dự án Đường tỉnh 926B, Đường tỉnh 927 (đoạn từ xã Phương Bình đến thị trấn Cây Dương); Đường tỉnh 929 (đoạn từ Đường tỉnh 931B đến Quốc lộ 61); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61B (đoạn ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ).
Còn với công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh; xây dựng kỷ yếu giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội, chính sách đầu tư của tỉnh; tổ chức thành công Hội thảo phát triển công nghiệp, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Kết quả là Ban quản lý đã tham mưu thu hút 12 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4.550 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 7 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích cho thuê là 341,19ha, thu hút 56 dự án (có 36 dự án đi vào hoạt động), với vốn đầu tư 18.933 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa cho rằng các sở, ngành đã phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm bám sát theo chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, cụm công nghiệp tập trung. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2023, Sở Công thương, Ban quản lý cần xây dựng chương trình công tác, nêu rõ công việc trọng tâm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, bám sát các mốc thời gian thực hiện GPMB, triển khai dự án theo các kết luận của Thường trực UBND tỉnh. Đặc biệt, khi lựa chọn nhà đầu tư, cần bám sát vào Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Phối hợp với các địa phương sớm triển khai thực hiện các phần việc còn lại. Khẩn trương triển khai kế hoạch vốn và quản lý chất lượng đạt theo yêu cầu. Hàng tháng, có báo cáo tổng hợp gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh.
Nguồn: Cần bám sát vào Quy định tiêu chí khi lựa chọn nhà đầu tư