Hậu Giang: Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững
Nhờ được hỗ trợ dự án nuôi dê, anh Thuận đã thoát nghèo. |
Trao sinh kế phù hợp
Năm 2022, gia đình anh Nguyễn Hoàng Thuận, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, được hỗ trợ 4 con dê giống từ Dự án 2: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Từ ngày được hỗ trợ dê giống, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về cách chăm sóc cho dê và học tập kinh nghiệm ở Trang trại sữa dê Ngọc Đào. Để phát triển kinh tế gia đình, anh trồng thêm mít, hạnh. Vớt mít dạt, lá mít anh hái cho dê ăn, phân dê được ủ để bón cho vườn mít. Với cách làm tuần hoàn này, anh tận dụng hết phụ phẩm, tiết kiệm chi phí cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, dê đã sinh sản 1 lứa, bán được 2 con. Hiện dê chuẩn bị sinh sản lứa thứ hai.
Cần cù lao động, cộng thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định, anh Thuận chia sẻ: “Được hỗ trợ dê, gia đình mừng lắm. Ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật, để mình nuôi cho đạt, mau sinh sản. Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để kinh tế phát triển”.
Còn gia đình anh Nguyễn Bảo Quốc, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, được hỗ trợ 2 con bò giống từ Dự án 2: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong quá trình chăn nuôi gia đình đã được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò… Theo anh Quốc, gia đình cố gắng chăm sóc bò cho thật tốt để bò mau sinh sản và tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Dự án 2: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành A trên 2,4 tỉ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện xây dựng 10 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến cuối tháng 7 đã phê duyệt 6 dự án. Trong 6 dự án được phê duyệt có 58 hộ tham gia gồm 7 hộ nghèo, 37 hộ cận nghèo, 14 hộ mới thoát nghèo, cận nghèo.
Theo ông Hà Văn Chính, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, huyện đã rà soát, lựa chọn các hộ thuộc diện được hỗ trợ thực hiện dự án để tuyên truyền, vận động tham gia. Các dự án được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của người dân và thế mạnh của địa phương.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Dự án 2: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ nguyên liệu, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi thói quen canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xây dựng 63 dự án, có 789 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cận nghèo tham gia. Người dân thực hiện các dự án như nuôi bò sinh sản, nuôi dê thương phẩm, nuôi ếch, nuôi heo…
Ông Bùi Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Quá trình thực hiện Dự án 2 được địa phương triển khai nhanh chóng, giúp người dân sớm tiếp cận với dự án. Năm 2024, có 15 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án. Với cách làm Nhà nước hỗ trợ con giống, người dân đóng góp một phần kinh phí đối ứng, người tham gia dự án đã có trách nhiệm hơn với sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,29% dân số. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trong năm nay, từ tỉnh đến cơ sở đều có những cách làm hiệu quả trong phát huy các dự án giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần lao động, sản xuất, khát vọng vươn lên của người dân.
Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những dự án rất thiết thực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Quá trình triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sâu sát. Các hộ nghèo tích cực tham gia, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo chiếm 3,29% dân số toàn tỉnh. Năm nay, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xây dựng 63 dự án, có 789 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Người dân thực hiện các dự án như nuôi bò sinh sản, nuôi dê thương phẩm, nuôi ếch, nuôi heo… |
Nguồn: Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững