Hậu Giang: “Giải pháp xanh”: Chống sạt lở bằng vật liệu phế thải
Hậu Giang: Huyện Châu Thành được chia thành 2 phân vùng phát triển Hậu Giang: Động lực giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển |
Hiện tại mô hình đã triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh và sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả. |
Cấp bách câu chuyện chống sạt lở
Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, những năm qua, tỉnh Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang xảy ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng, gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo báo cáo, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 điểm sạt lở tại huyện Châu Thành, với tổng chiều dài 469m, diện tích mất đất là 2.858m2, tổng thiệt hại ước tính hơn 2 tỉ đồng. Trong quý I/2023, tỉnh tiếp tục xảy ra 8 điểm sạt lở đất, với chiều dài 147m, làm mất 717m2 đất, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng.
Hiện trạng sạt lở ở Hậu Giang diễn ra với nhiều mức độ, từ xói mòn nhẹ đến sạt lở tổng thể rất nghiêm trọng. Sạt lở thường xảy ra với các dạng như: trượt khối lớn, mái bờ mất ổn định; xói mòn, xói hàm ếch; xói ngầm;... Để phòng ngừa, ngăn chặn vấn đề này, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: sử dụng cây xanh (trồng tre, trồng bần, trồng dừa nước), giải pháp kè bằng cọc cây, bằng tường chịu lực, tường cọc bê tông cốt thép hay kè sinh thái. Tuy nhiên, các giải pháp này đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định và chưa đáp ứng mục tiêu phòng, tránh sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Để chống sạt lở hiệu quả hơn, năm 2019, tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp xanh chống sạt lở bằng vật liệu phế thải”, do TS. Lê Gia Lâm làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức chủ trì. Đề tài đã tiến hành khảo sát, quan trắc, thí nghiệm hiện trường sức chống cắt của đất gia cố cây xanh và phân tích hiện trạng sạt lở tại tỉnh. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS. Đinh Công Sản, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc thực hiện đề tài này. Xuất phát từ những mong muốn từ trước tới giờ là tìm kiếm một vật liệu công nghệ rẻ tiền cho tỉnh Hậu Giang để chống sạt lở. Trong quá trình thực hiện, ban chủ nhiệm đề tài cũng đã có nhiều nỗ lực để triển khai đạt một số kết quả nhất định”.
“Giải pháp xanh”
Điểm nổi bật của đề tài “Nghiên cứu giải pháp xanh chống sạt lở bằng vật liệu phế thải” là việc nghiên cứu, ứng dụng tro bay làm vật liệu chống sạt lở. Tro bay là những hạt tro rất nhỏ bị cuốn theo khí từ ống khói của các nhà máy nhiệt điện do đốt nhiên liệu than. Sau khi thu thập, tro bay sẽ được dùng để chế tạo thành các hạt cốt liệu dạng hình cầu, chứa trong các bao vải địa kỹ thuật. Ưu điểm của hạt cốt liệu là có cường độ tốt và không tạo ra trọng tải lớn, thích hợp để ứng dụng trong các mô hình chống sạt lở.
Dựa trên điều kiện địa hình của từng khu vực trong tỉnh, ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất 4 mô hình chống sạt lở là: mô hình cho mái bờ không ổn định ở vùng đất có lệch triều thấp; mô hình cho mái bờ sông chưa mất ổn định, chênh lệch triều thấp; mô hình cho vùng chênh lệch triều cao, mái bờ không trượt; mô hình cho vùng chênh lệch triều cao và mái không ổn định. Xây dựng mô hình thử nghiệm tại một số địa phương thuộc huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành.
Với mô hình thử nghiệm tại khu vực có vùng chênh lệch triều thấp (dưới 1m) ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, ban chủ nhiệm đề tài đã thi công cố định bao vải địa kỹ thuật cách bờ 3m. Cây bần được trồng ở hàng ngoài cùng với khoảng cách 2m, các hàng tràm được trồng với khoảng cách 0,25m, bên trong có thể tận dụng trồng thêm các loại hoa hoặc rau màu. Sau 1 năm, mô hình phát triển rất tốt và có hiệu quả, mái bờ ổn định, có bồi lắng, tạo sinh khối phát triển. Còn ở mô hình chống sạt lở cho vùng có chênh lệch triều cao, tuy có hạn chế được sạt lở nhưng chưa bền vững, cần nghiên cứu thêm.
Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh: “Mô hình rất phù hợp trong điều kiện của Hậu Giang, đặc biệt là trong điều kiện chênh lệch triều thấp. Trong điều kiện triều cao như ở huyện Châu Thành vẫn có thể thực hiện được. Hiện tại mô hình đã có triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh và sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả. Việc thực hiện mô hình có thể huy động được sức dân và không tốn ngân sách nhà nước. Mô hình còn mang lại hiệu quả về môi trường và có thể giúp người dân tận dụng để trồng trọt thêm”.
Trong thời gian tới, ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện các mô hình để chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Với chi phí thấp, hiệu quả cao, mô hình chống sạt lở bằng vật liệu phế thải được kỳ vọng sẽ giúp phòng, tránh sạt lở hiệu quả hơn tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Nguồn: “Giải pháp xanh”: Chống sạt lở bằng vật liệu phế thải