Hậu Giang: Hiệu quả mô hình phát triển hợp tác xã gắn với sản phẩm OCOP
Nhiều sản phẩm từ cá thát lát ở HTX Kỳ Như đã đạt chuẩn OCOP và có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. |
Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với việc phát triển của hợp tác xã trong tương lai nên đầu năm 2019, HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP trên cơ sở phát triển có sự chọn lọc từ những sản phẩm chủ lực của mình, nhằm chuẩn hóa sản phẩm, nâng tầm giá trị để thực hiện tham gia đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm gồm có 8 sản phẩm. Kết quả cả 8 sản phẩm tham gia đều được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, đạt mức phân hạng 4 sao. Năm 2022, HTX tiếp tục đăng ký đánh giá thêm 3 sản phẩm mới. Những sản phẩm sau khi được công nhận, HTX được đặc quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in và dán trên bao bì của sản phẩm. Với hình ảnh này đã tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Trước khi tham gia OCOP, các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu nông nghiệp của HTX Kỳ Như mà chủ yếu là cá thát lát, mặc dù đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh xác nhận sản phẩm có chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm, mức tiêu dùng chỉ đạt khoảng 6 tấn/tháng, tương đương 72 tấn/năm.
Theo lãnh đạo HTX Kỳ Như, sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thương hiệu được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến nên HTX liên tục nhận được nhiều hợp đồng cung cấp với số lượng lớn. Các đối tác tự tìm đến yêu cầu được làm đại lý phân phối sản phẩm của HTX thay vì trước đây HTX phải bôn ba tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay HTX đã mở rộng nhà xưởng, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường lên đến 18 tấn/tháng, tương đương 220 tấn/năm, tăng trên 300% so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng gần xa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX cũng đã góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng chục héc-ta nuôi cá nguyên liệu của các hộ nông dân trong và ngoài địa bàn.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: Muốn khởi nghiệp từ OCOP thành công thì điều quan trọng đối với các HTX là phải xây dựng theo chuỗi quy trình khép kín và thắt chặt mối liên kết quan hệ hữu cơ giữa “4 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông) trong sản xuất ghi chép nhật ký sản xuất, chế biến và tiêu thụ phải gửi mẫu kiểm nghiệm dư lượng mỗi lô hàng, đó chính là bàn đạp vững chắc, là cầu nối thành công cho HTX, cho doanh nghiệp chọn khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình phát triển HTX liên kết kiểu mới gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ mang lại hiệu quả tích cực, phát huy được thế mạnh về khả năng cạnh tranh của HTX. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển, góp phần thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ.
Bà Nguyễn Kim Thùy cho biết thêm: “HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm OCOP; chủ động quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp liên kết tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ theo quy trình khép kín với quy mô sản lượng lớn đủ cung ứng cho HTX sản xuất và chế biến. Từ đó, sản phẩm được đảm bảo với chất lượng giá trị cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận; nhằm tạo đà cho HTX phát triển có chiều sâu, hiệu quả ổn định, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cho biết: Trong năm 2022 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển các loại hình hợp tác xã trong các lĩnh vực, chú trọng hợp tác xã nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản...
Nguồn: Hiệu quả mô hình phát triển hợp tác xã gắn với sản phẩm OCOP