Hậu Giang: Linh hoạt sản xuất trong mùa nước nổi
Người dân trong tỉnh thả nuôi vụ cá ruộng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: T.TRÚC |
Có hơn 1,1ha đất lúa nằm ở khu vực vùng trũng thuộc ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, những năm gần đây ông Vũ Thái Hòa chỉ sản xuất vụ Đông xuân, bỏ hẳn vụ Hè thu và Thu đông để chuyển sang trồng sen kết hợp với nuôi cá. Theo ông Hòa, vụ Thu đông thường gặp rủi ro về thời tiết, nước lũ nên sản xuất lúa không hiệu quả, trong khi trồng sen sẽ giảm thiểu được những rủi ro này, thu nhập lại cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa vụ 3.
Ông Hòa cho biết: “Thứ nhất, cây sen cho hiệu quả kinh tế cao, thứ hai nữa là không phụ thuộc vào máy móc hay nhân công khi vào vụ thu hoạch. Sản xuất lúa Thu đông mấy năm gần đây thường bị thất, do gặp mưa bão và phân bón tăng cao nên không có lãi. Còn trồng sen thì ngược lại, đối với vụ Thu đông thì một ký sen bán giá cao bằng một ký rưỡi lúa, còn vụ Đông xuân thì một ký sen giá bằng sáu ký lúa”.
Ngoài mô hình trồng sen thì những năm gần đây nông dân ở huyện Phụng Hiệp cũng chuộng mô hình nuôi cá ruộng theo hướng quảng canh trong mùa nước nổi. Bởi ngoài yếu tố kinh tế, nuôi cá ruộng còn góp phần vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, giảm chi phí cho vụ Đông xuân. Theo thống kê trong khoảng 3 năm trở lại đây trung bình mỗi năm huyện Phụng Hiệp có hơn 3.000ha lúa Thu đông được bà con chuyển đổi sang nuôi cá ruộng, riêng năm nay toàn huyện có hơn 3.800ha.
Ông Nguyễn Văn Ngoan, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mùa nước nổi về khoảng 3 tháng cũng là thời điểm phù hợp để thả cá ruộng. Đến khoảng tháng 11 âm lịch thì bà con bơm nước thu hoạch cá ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân. Cá được nuôi trên ruộng sẽ ăn hết cỏ dại, rơm rạ, làm cho đất tơi xốp”.
Ông Trần Văn Út, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Vùng đất này thấp, khi gieo sạ lúa Thu đông thường bị mưa bão gây ngập úng nên đa phần bà con chuyển sang nuôi cá. Cá ruộng nuôi không tốn chi phí thức ăn nên trung bình một héc-ta thả cá ruộng sau khi thu hoạch trừ hết chi phí cũng cho lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng. Những năm cá có giá thu nhập có thể lên đến 15 triệu đồng/ha”.
Với diện tích đất lúa gần 20.000ha, vụ này nông dân trong huyện Phụng Hiệp chỉ xuống giống khoảng 7.000ha lúa Thu đông, gần 4.000ha được chuyển sang nuôi cá ruộng, gần 2.000ha được chuyển sang trồng sen, ấu và các loại cây trồng khác. Có khoảng 7.000ha nông dân không sản xuất mà bỏ lúa chét bán cho vịt chạy đồng đến cuối tháng 10 âm lịch sẽ tiến hành trục xới cho đất nghỉ ngơi trước khi vào sản xuất vụ Đông xuân.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Lúa vụ 3 thường tiềm ẩn nhiều rủi ro nên những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo sản xuất vụ lúa Thu đông ở những nơi thích hợp. Những diện tích còn lại tùy vào điều kiện sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng thuận với tự nhiên để giảm thiểu những tác hại cho người nông dân. Và thực tế đã chứng minh, những mô hình sản xuất thay thế lúa Thu đông đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với canh tác lúa.
Bên cạnh huyện Phụng Hiệp thì nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy… không sản xuất lúa vụ 3 mà cho nước vào đồng để nuôi cá ruộng. Theo đó, người dân chỉ cần bao lưới trên ruộng và khoảng rằm tháng 7 âm lịch là thả cá giống. Sau hơn 2 tháng nuôi tự nhiên trên ruộng thì bắt đầu thu hoạch.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nhờ ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận đạt khá mà trong vài năm gần đây nuôi cá ruộng trở thành mô hình được nhiều hộ dân lựa chọn để thay thế sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng nhiều mô hình nuôi cá ruộng theo hướng nâng cao giá trị tại các địa phương có điều kiện phát triển hình thức này, trong đó tập trung các đối tượng nuôi như cá rô đồng, cá lóc đồng, trê vàng…
Kinh tế gia đình ông Hòa ngày càng khấm khá nhờ gắn kết với cây sen. Ảnh: D.KHÁNH |
Ngành nông nghiệp Hậu Giang cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất. Các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nổi, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay diệt các loại cỏ dại trong mùa nước, còn lợi nhuận mang lại khoảng 10 triệu đồng/ha từ vụ nuôi cá ruộng.
Sản xuất theo hướng thuận thiên đang là phong trào được nhân rộng ở ĐBSCL hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đã chủ động hướng người nông dân lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thay vì bám cây lúa dẫn đến tình cảnh mất mùa, thua lỗ trong thời điểm nước lũ dâng lên.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, mô hình nuôi cá tự nhiên mùa lũ không cần vốn nhiều; chỉ mua con giống và bao lưới xung quanh rồi thả nuôi. Sau đó, tận dụng lúa chét của vụ Hè thu, côn trùng trong rơm rạ, rong tảo, trứng ốc bươu vàng… để cá ăn và phát triển. Cách làm này vừa cải tạo đất tốt, diệt mầm bệnh, giúp cho vụ lúa Đông xuân tăng năng suất cao. |
Nguồn: Linh hoạt sản xuất trong mùa nước nổi