Hậu Giang: Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao: Hướng đi bền vững
Hiện nay nông dân ĐBSCL sản xuất lúa hướng đến chất lượng thay vì số lượng. |
Mạnh dạn chuyển đổi
Là địa phương có diện tích canh tác lúa lớn nhất vùng ĐBSCL, những năm qua, ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao. Thống kê của ngành nông nghiệp Kiên Giang, trong vụ Thu đông 2022, diện tích gieo sạ giống lúa chất lượng cao của tỉnh đạt tới 95%, tăng 5% so với vụ Thu đông năm ngoái. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đánh giá cao việc bà con nông dân tổ chức sản xuất giống lúa chất lượng cao, góp phần làm tăng diện tích cánh đồng lớn của tỉnh.
“Hiện nay, địa phương đã có 20 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Trong đó, 3 tập đoàn lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, phân kỳ từ năm 2021-2025, có 109.000ha được liên kết. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất 148 hồ sơ cấp mã số vùng trồng, một con số lớn nhất từ trước tới nay của địa phương. Trong đó, có 68 mã vùng trồng lúa đã được cấp mã số”, ông Lê Hữu Toàn chia sẻ.
Sản xuất lúa cũng có sự chuyển dịch theo xu hướng thị trường cũng là cách mà nông dân tỉnh Tiền Giang đang áp dụng. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chiếm tỷ lệ tới hơn 93%; gần 96% sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận trong gieo sạ.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, có được kết quả này là nhờ sự linh hoạt theo điều kiện sản xuất thực tế của bà con nông dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện đa dạng các giải pháp thủy lợi, trữ nước để mang đến những vụ mùa thắng lợi cho bà con nông dân.
Còn tại Hậu Giang, với mục tiêu đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu, ngành chức năng cùng người dân trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao. Hiện tại, diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh đạt gần 190.000ha, năng suất trung bình 6,76 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1,2 triệu tấn.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho hay: Nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 35.000ha lúa Thu đông. Trong đó, gần 15.000ha lúa ở giai đoạn trổ - chín, giai đoạn làm đòng gần 12.000ha. Số còn lại ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Về lúa Hè thu, toàn tỉnh xuống giống gần 76.400ha, hiện đã thu hoạch dứt điểm, với năng suất bình quân đạt 6,35 tấn/ha. Trong đó, huyện Châu Thành A là địa phương đạt năng suất cao nhất, với 6,47 tấn/ha; còn thành phố Vị Thanh là địa phương có năng suất lúa đạt thấp nhất, với 5,76 tấn/ha.
“Năm nay, giống RVT chiếm ưu thế trong các giống được bà con gieo sạ. Bên cạnh đó, OM 18, OM 5451, Đài thơm 8,... cũng là những giống chủ lực được gieo sạ cho vụ Đông xuân tới. Các cánh đồng xuống giống đầu tiên là các vùng đầu nguồn như huyện Châu Thành A, một phần huyện Vị Thủy, dọc Quốc lộ 61C. Các vùng còn lại xuống giống sau”, ông Bạch Văn Sơn thông tin thêm.
Nhiều kết quả khả quan
Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Thu đông, vụ Mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL” do Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tổ chức cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao khi 84% cơ cấu giống lúa gieo sạ trong vụ Thu đông 2022 nằm ở nhóm chất lượng cao, lúa thơm đặc sản, nếp.
“Những kết quả trên đã góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Đặc biệt, nếu như trước đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta dưới 400 USD/tấn, thậm chí có thời điểm nằm ở mức 350 USD/tấn thì hiện nay đã tăng xấp xỉ 500 USD/tấn. Điều này cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu giống, công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao các giống lúa phát huy hiệu quả cao”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng ước năm 2022 tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu héc-ta, với năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 24 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ các năm trước. Về tổng thể diện tích gieo trồng lúa năm 2022 của vùng có giảm do nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng năng suất lại gia tăng.
Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ NN&PTNT, các địa phương ĐBSCL đồng loạt triển khai trong sản xuất lúa vụ Thu đông, vụ Mùa năm 2022. Kết quả, bà con nông dân đã nhận thức và thay đổi tập quán gieo sạ lúa mật độ cao. Lượng giống lúa gieo sạ dưới 100kg/ha tăng hơn 2% so với vụ Thu đông 2021, lượng giống gieo sạ từ 100-150kg/ha tăng hơn 7%, đặc biệt lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha giảm rõ rệt gần 8,6%.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL khi hiện nay đã đi vào bài bản, căn cơ hơn so với 10 năm trước. Đặc biệt trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, vùng ĐBSCL đã vượt qua ngoạn mục, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống chất lượng cao, nông dân giảm được 1/3 chi phí sản xuất, nhưng không hề giảm năng suất và ít sâu bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý: Trong bối cảnh hiện nay, lúa gạo trở thành hàng hóa cạnh tranh. Xu hướng tăng năng suất đã đạt cực đại, nông dân muốn tăng năng suất hơn nữa không phải dễ và con số năng suất bình quân 6 tấn/ha đáng để nông dân Việt Nam tự hào.
“Trong vụ Đông xuân 2022-2023 tới, bà con nông dân cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích hơn 400.000ha ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn, mặn có thể xảy ra. Thay vì suy nghĩ đến việc nâng cao năng suất, bà con nông dân cần tập trung vào 2 con đường: chất lượng và giảm giá thành sản xuất”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Nguồn: Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao: Hướng đi bền vững