Hậu Giang: Nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp
Nông dân trong tỉnh tham quan các máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp được trình diễn tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy mới đây. Ảnh: H.THU |
Bây giờ, từ khâu làm đất, thu hoạch đều được cơ giới hóa; khâu gieo giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật ứng dụng công nghệ 4.0 từ thiết bị bay không người lái. Và giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại smartphone, ở bất kỳ nơi đâu, nông dân cũng có thể “ra lệnh” cho máy bơm điều tiết mực nước phù hợp trên ruộng.
Bắt kịp theo thời buổi công nghệ hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã lắp đặt hệ thống máy bơm điều khiển qua điện thoại. Nếu như trước đây, khi vào vụ, ông phải túc trực thường xuyên để canh bơm nước trong ruộng ra ngoài, nhất là vào mùa mưa để tránh cho lúa bị thiệt hại. Thì bây giờ, đi tới đâu chỉ cần có kết nối mạng 4G hay wifi là điều khiển máy bơm tắt, mở ở nhà.
Ứng dụng cơ giới hóa cùng thiết bị bay không người lái vào sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Ảnh: H.THU |
Ông Sơn chia sẻ: “Bây giờ, nông dân cần phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì mình vừa làm ruộng cũng có thể đi làm thêm những công việc khác. Gắn hệ thống bơm này chỉ tốn 600.000 đồng, chi phí thấp, nhưng rất tiện lợi cho nông dân”.
Anh Bùi Dương Khê, chủ cửa hàng Điện, Camera, Tin học Dương Khê, ở chợ Vịnh Chèo, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, người lắp đặt công nghệ này cho biết, chỉ cần gắn công tắc wifi kết nối với mô tơ điện và cài app điều khiển trên điện thoại là sử dụng, thao tác rất đơn giản trên app có một nút tắt, mở nên ai cũng có thể sử dụng được chỉ cần có điện thoại smartphone.
Hình ảnh máy bay phun thuốc hay gieo sạ trên các cánh đồng không còn xa lạ với người nông dân hiện nay. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Nắm bắt xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay nên ông Phan Văn Hằng, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để mua máy bay hiệu T40. Đây là máy bay nông nghiệp thực hiện chức năng “3 trong 1” gồm phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ và bón phân cho lúa để phục vụ sản xuất trong gia đình, vừa làm dịch vụ nông nghiệp nhằm tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Hằng bộc bạch: “Từ khâu làm đất, thu hoạch máy móc đều làm hết. Bây giờ hiện đại sử dụng thiết bị máy bay để gieo sạ, phun thuốc, bón phân vừa nhanh chóng lại tiết kiệm. Thời đại 4.0, máy móc thay con người làm hết, nông dân nhàn nhã ra đồng, không còn mang vác, lội ruộng, chỉ việc đứng trên bờ quan sát”.
Thực tế cho thấy, nông dân ở huyện Vị Thủy đã và đang từng bước được cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện nay, khâu làm đất, thu hoạch ứng dụng cơ giới hóa 100%; gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng máy bay không người lái chiếm trên 50%. Qua đó, giảm lượng thất thoát nông sản, cũng như chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân.
Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, hiện trên địa bàn có 18 thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cho các hợp tác xã và tổ hợp tác mua 9 máy, còn lại 9 máy người dân tự mua để làm dịch vụ cho nông dân có nhu cầu.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong việc hỗ trợ công nghệ mới. Cụ thể là máy bay nông nghiệp không người lái để áp dụng vào gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tập trung thực hiện các nội dung theo phân kỳ thuộc các chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp như: Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Chương trình của UBND tỉnh về hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025; tiếp tục tổ chức thực hiện công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng và lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao cả trong công tác quản lý nhà nước, sản xuất, chế biến, tiêu thụ góp phần chuyển đổi sang nền nông nghiệp chủ động, sáng tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, giảm dần lao động chân tay. Xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý ngành, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm; hài hòa với tiêu chuẩn để thúc đẩy mở rộng thị trường.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh thì tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất vụ lúa qua các vụ đều tăng, bên cạnh các khâu làm đất và thu hoạch được cơ giới hóa 100%, các khâu gieo sạ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật tỷ lệ cơ giới hóa ngày càng cao. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Để đạt được tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, ngoài sự chủ động tự thân vận động đầu tư của nông dân, còn có nguồn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP thực hiện các năm qua đã góp phần làm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh. Đồng thời, tại Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 có dự án “Xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp” cũng sẽ góp phần ngày càng làm tăng tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp nói chung và cho cây lúa nói riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đặc biệt, trong bối cảnh ứng dụng nông nghiệp 4.0 đang được khuyến khích nhân rộng thì việc áp dụng các giải pháp cơ giới hóa trong khâu bón phân, phun thuốc sẽ hỗ trợ nông dân khắc phục đáng kể các yêu cầu về an toàn sức khỏe và an toàn lao động nên Hậu Giang đã và đang quan tâm đẩy mạnh.
Nguồn: Nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp